Còn đó – những vấn đề phê bình mỹ thuật

Còn công việc của nhà phê bình nghệ thuật hiện nay không mấy dễ dàng bởi ngay chính các nhà phê bình cũng còn ngỡ ngàng trước những biến chuyển trong sáng tác và định hướng của từng cá nhân nghệ sĩ và trào lưu hội hoạ hiện nay.

Trong bài phê bình mỹ thuật liệu có thể tin? của nhà báo Thanh Hà đăng trên Lao động chủ nhật 4/2/1996 đã nhận định: “Sự lẫn lộn hiện nay giữa các nhà phê bình chuyên nghiệp với các nội dung mang tính thẩm định với các nội dung mang tính quảng cáo… đang ngày càng phổ biến hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng” là một nhận định đúng. Đội ngũ các nhà phê bình mỹ thuật hiện nay rất mỏng, những người tâm đắc với nghề rất ít, thậm chí cũng theo Phạm Thanh Hà đánh giá “Những người tài cao uyên bác thật sự hình như ngày càng vui tính hơn trong việc đánh đố người đọc, những người tài kém hơn chút ít, thay vì đánh đố lại tỏ ra quá dễ dãi”.

Ở Hà Nội, thời gian qua có 2 cuộc triển lãm tạm gọi là nghệ thuật xếp đặt, một của Jim Nguyễn – Hatsushiba, bày tại 29 Hàng Bài mang chủ đề Giấc mơ, một của hai sinh viên Trần Anh Quân và Nguyễn Văn Tiến bày tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám mang chủ đề Không gian nghệ thuật. Ở triển lãm thứ nhất, tác giả Trịnh Cẩm  Nhi viết bài trên báo Lao động chủ nhật 16/3/1997 giới thiệu “Giấc mơ là tên gọi triển lãm giới thiệu nghệ thuật xếp đặt (Installation) của anh. Triển lãm bao gồm bốn phần nằm trọn trong bốn phòng của nhà triển lãm 29 Hàng Bài. Jim Nguyễn dùng thần đá, màn chống muỗi, chim sẻ, lồng gà, cá khô, mái chèo làm vật liệu và anh đã khéo xếp đặt theo một phong cách lãng mạn vốn tiềm ẩn sâu sắc trong vẻ đẹp của văn hoá Việt Nhật”

Một bài báo khác của tác giả Từ Duy trên báo Tiền Phong ngày 3/4/1997 thì kịch liệt phản đối: “Nếu là giấc mơ thì đây là giấc mơ xa lạ với người Việt Nam”, “Giấc mơ” một sự xếp đặt tầm thường đến mức dung tục, trần trụi. Một cuộc triển lãm không hề mang lại được cảm thụ về cái đẹp thiên nhiên và con người”.

Ở triển lãm thứ hai Không gian Nghệ thuật bày tại Văn Miếu bị phản đối mạnh mẽ trên nhiều báo, gay gắt hơn, quyết liệt hơn, người ta đòi công luận trả lời vì sao những người có trách nhiệm trong ngành văn hoá lại chấp nhận một cuộc triển lãm như thế, tác giả Hoàng Hà trên báo Văn hoá thể thao ngày 15/4/1997 viết: “Tất cả cảnh vật không gian đều đỏ như máu. Xô màn, thứ trang bị dung tục của chị em được dùng làm ngôn ngữ nghệ thuật cho hai sinh viên Nguyễn Văn Tiến và Trần Anh Quân bày trò quái dị học đòi kiểu phương Tây suy đồi. Đáng tiếc lại được bày ở Tả vu Văn Miếu… Những gì diễn ra ở Văn Miếu đã đi quá xa  tới mức cần phải có biện pháp xử lý đối với những kẻ dám làm trò nhố nhăng ở chốn thâm nghiêm này”.

Những bài phê bình kịp thời trên chỉ xuất hiện khi có những hiện tượng mỹ thuật không thể chấp nhận, là cuộc gạn đục khơi trong, là tiếng chuông báo động cảnh tỉnh. Tiếc rằng, sau đó, những ý kiến tranh luận của ngành phê bình mỹ thuật không được tiếp tục cất lên, làm rõ ra, cụ thể ra, kiểm chứng lại một cách đàng hoàng, hệ thống, điều đó còn bị bỏ trống. Tôi còn nhớ một lần hoạ sĩ Mai Văn Hiến phải thốt lên: “Các nhà phê bình mỹ thuật đi du lịch hết cả rồi sao?”

Triển lãm tổ chức ngày một nhiều, cá nhân tự chịu trách nhiệm với tác phẩm của mình, điều đó đúng bởi nghệ thuật là phản ánh ý thức của từng cá nhân đơn lẻ, tần số các bài báo, các lời giới thiệu trên vựng tập tỉ lệ thuận với sự xuất hiện triển lãm, gắn bó, tất cả đều nên ưu điểm khen nhiều, chê ít, vui vẻ tất cả.

Nhiệm vụ của các nhà phê bình mỹ thuật hiện nay rất nặng nề: Một sự đánh giá lại những giá trị thẩm mỹ của khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa, một sự đánh giá những trào lưu nghệ thuật hiện đại thế giới đang được các hoạ sĩ Việt Nam khai thác một cách thoải mái, một quan niệm về….

                                                         H ải Y ến –  V ăn Ho á Ngh ệ Thu ật