Giữa Văn Miếu Hà Nội Nghệ thuật hay trò kỳ quái?

 

Văn Miếu – Quốc Tử Giám xưa nay vẫn được coi là nơi thâm nghiêm suy tôn nguyên khí quốc gia – đất thánh của kẻ sĩ, biểu tượng văn hoá của dân tộc… Thời xưa thậm chí phụ nữ còn không được bước chân vào chốn thâm nghiêm này. Một thời gian dài do nhiều nguyên nhân Văn Miếu bị bỏ hoang phế. Gần đây đã được ngành Văn hoá Trung ương và địa phương đầu tư tôn tạo nên đã dần trang nghiêm trở lại. Cùng với cảnh quan nhiều hoạt động văn hoá được tái hiện như trao học bổng, lễ rước vinh quy trạng nguyên, các đêm diễn rối nước. Số khách đến tham quan Văn Miếu mỗi năm một đông thêm và chủ yếu là người nước ngoài phần lớn là người Pháp.

Đến 80% người vào thăm Văn Miếu là người nước ngoài. Điều đó cho thấy người nước ngoài hiểu và đánh giá cao Văn Miếu đến mức nào. Trong khi đó người Việt Nam lại thường ít vào thăm, kể cả những ngày lễ hội, người ta thường tím tới những nơi có khả năng cầu tài cầu lộc. Chính nơi này Đặng Trần Thường đã từng đánh chết Ngô Thời Nhiệm vì một câu vế đối.

Cái nơi thâm nghiêm trang trọng này đáng tiếc trong tháng Giêng vừa qua từ ngày 16 đến ngày 19-1-97 đã có người bày ra những trò quái gở. Những xô màn sơn đở loang lổ như máu chằng ngang chằng dọc; những thân cây bị trói; có cả bức tranh bị buộc thắt vào cây; rồi những châu sơn nhoè nhoẹt đỏ tươi máu đang hứng những túi sơn đang rỉ “máu”… Quá đáng nhất có lẽ là hình ảnh hai chàng trai bị bịt miệng và trói nhau bằng xô màn và trói cánh khuỷu vào nhau y như những hình ảnh đàn áp xảy ra ở xứ Chùa Tháp thời Polpot… Tất cả những hình ảnh đó được làm bằng nền những bức tranh chiếu cũng được sơn phết loang lổ màu sơn “máu”. Tất cả cảnh vật không gian đều đỏ như máu. Xô màn, thứ trang bị thông tục của chị em, được dùng làm ngôn ngữ nghệ thuật cho 2 sinh viên Nguyễn Văn Tiến và Trần Anh Quân bày trò quái dị học đòi kiểu nghệ thuật phương Tây suy đồi? Đáng tiếc lại được bày ở Tả Vu của Văn Miếu.


Với những cảnh này, có rất nhiều người tò mò vào xem, trong đó có rất nhiều ông Tây bà Đầm sẽ phải hiểu như thế nào về thực trạng của chúng ta? Phải chăng đây đang có cuộc tắm máu và kẻ sĩ đang bị hành hạ, ngay ở cái nơi vẫn được coi là đất thánh của họ???

Mặc dù những người có trách nhiệm của Văn Miếu giải thích đây là do 2 sinh viên trường Mỹ thuật mượn bối cảnh để thể hiện ý tưởng sáng tác “ngông cuồng” của mình chứ không phải tổ triển lãm của bất kỳ cơ quan chức năng nào? Không biết những người ăn lương nhà nước để bảo vệ cảnh quan Văn Miếu nghĩ sao khi trong tay chúng tôi có tấm vé mời viết bằng tiếng Anh hẳn hoi ghi tác giả của những trò này là Nguyễn Văn Tiến và Trần Anh Quân xung quanh có dấu son “ấn quốc” và ở giữa có dính một miếng xô màn con con… Chúng tôi có thể diễn giản nôm na đây là tấm vé mời, tiếng Anh có nghĩa là thông báo với người nước ngoài đến thưởng thức những trò quái gở được thể hiện bằng ngôn từ “xô màn”. Sự bày trò này nếu ở trong phòng riêng của người ta thì đành một nhẽ; đáng tiếc lại phơi bày ra ở nơi vẫn được dùng làm nơi tôn thờ linh khí quốc gia? Đây là một hành động gây bất bình đối với những người trong văn hiến.

Những năm qua trong thời kỳ đổi mới, chúng ta khuyến khích tự do sáng tạo nghệ thuật và mở cửa cho nhiều khuynh hướng sác tác khác nhau. Xu hướng phát triển này phản ánh rất rõ nét trong nghệ thuật tạo hình, nơi các nghệ sĩ đang tìm tòi với nhiều phong cách bút pháp, cá tính nghệ thuật hết sức đa dạng thuộc mọi khuynh hướng khác nhau, từ hiện thực cho đến trừu tượng.

Song, một tác phẩm nghệ thuật dù thuộc xu hướng khuynh hướng nghệ thuật nào, muốn đối thoại với dân tộc và thời đại đều không được thoát khỏi cội nguồn – tâm lý cảm thụ của con người VN và nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Nhưng những gì diễn ra ở Văn Miếu nói trên đã đi quá xa tới mức cần phải có biện pháp xử lý đối với những kẻ dám làm trò nhố nhăng ở chốn thâm nghiêm này.

                                   Hoàng Hà – b áo Th ể Thao & V ăn H óa (1997)