Triển lãm “Tôi ơi” của Nguyễn Văn Tiến Nghệ thuật dành cho …. Thế giới bên kia?

Toàn bộ chất liệu của cuộc triển lãm chắc hẳn rất quen thuộc tại những dịch vụ … mai táng người chết! Đó là sô gai, vải mùng, chiếu cói, nhang đèn, chén gạo, hoa quả…. trưng bày trong một không gian được xem là trung tâm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng dân cư TPHCM. Trên những miếng vải bố, manh chiếu liệm bị cắt rọc nhem nhúa là vô số hình thù quái dị được quét trát ngoằn ngoèo, cẩu thả bằng phẩm đỏ, mực đen; bày đựng ở mấy cái nia, trên đống rác, trên tay cầm của thằng bù nhìn rơm và thậm chí, treo ngược tít trần nhà. Nổi bật nhất của hàng chục bức tranh kinh khủng kia là dương vật, âm vật được cách điệu đủ kiểu bằng các hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông, các dấu cộng trừ, mũi tên biểu thị giới tính và hoạt loạt câu ghi chú khêu khích, dâm dật: “Này, tôi tên là Tiến!” “ơ, ơ… tranh đây!” “Khoan cắt bê tông, rút hầm cầu, bán tranh! Cách cầu tiêu 3m,”, “Đặc biệt: mua một tranh tặng một hộp quẹt diêm”. “Cô này thì hay rồi, “20 phút một lần”… Riêng tác giả thì tự khoác áo sô, ngồi xếp bằng cúi gập đầu, bên cạnh có vài “đồng đạo” tóc tai rũ rượi quỳ trước một cái mẹt bày biện bát cơm, hoa quả nhang đèn lầm rầm khấn lạy – được giải thích luôn cho những khách xem đang ngơ ngác là “cầu hồn người cõi âm về mua tranh”(!)

Đó là toàn cảnh cuộc triển lãm Tôi ơi! của hoạ sĩ Nguyễn Văn Tiến mà chúng tôi có dịp ghi nhận được trong khoảng 6 – 12.7.2001 vừa qua tại Bích Câu Art Gallery thuộc Cung Văn hoá Lao động TPHCM.

Nguyễn Văn Tiến là ai mà có kiểu gây sốc quái chiêu đó? Người Sài Gòn còn khá xa lạ với tên tuổi này, nhưng tại Hà Nội – nói đến Tiến “Văn Miếu” thì ít ai mà không biết hoặc bét nhất là cũng đã từng nghe qua. Sinh năm 1970, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội 1995. Trước khi gây đình đám để nổi…. tai tiếng, Tiến cũng từng có những tác phẩm khá nghiêm túc trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc (1990), Trung tâm giới thiệu và trao đổi nghệ thuật Hà Nội (1994), Triển lãm Mùa hè tại Espace NK Art Contemporain TPHCM (1994). Vào tháng 1-1997 Nguyễn Văn Tiến cùng với hoạ sĩ Trần Anh Quân thuê trọn khu Tả Vu sau điện Đại Thành trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội để làm cuộc triển lãm có một không hai tại Việt Nam: Với tiêu đề Nơi an nghỉ cuối cùng của con người, Tiến và Quân đã làm cho du khách nước ngoài và người Hà Nội vô cùng sửng sốt vì cảnh tượng quái gở của những xô màn, chiếu cói, mộ huyệt, dây thừng, túi máu đỏ, cây thập tự… chằng ngang, buộc dọc, vung vãi và đào xới khắp Văn Miếu – nơi thâm nghiêm được xem như qui tụ nhiều nguyên khí quốc gia và là nơi tạc bia để đời những tài năng xuất chúng của đất nước. Đáng kể là hai tác giả tự trói ké vào nhau bằng dây sô, áo quần phết đầu máu và bịt khẩu trang đứng giữa Văn Miếu. Triển lãm đã kết thúc bằng một cuộc hoả thêu tưng bừng các dị vật gần Gác Khuê Văn nổi tiếng và khai sinh ra cái tên Tiến “Văn Miếu”!

Một tác phẩm, dù thuộc trường phái hay khuynh hướng mới mẻ nào cũng không thể đi lệch khỏi tâm lý cảm thụ chung của đại bộ phận quần chúng; huống chi, “cửa tử” như một số hình thức sắp đặt ở trong Tôi ơi! của Nguyễn Văn Tiến lại là nơi huý kỵ và được xem thiêng liêng nhất trong thế giới tâm linh người VN, càng không thể bày biện để thảo mãn cho cái “tôi” riêng của mình! Trong bối cảnh nước ta hiện nay, việc tiếp nhận hay chưa nên tiếp nhận những xu hướng nghệ thuật quái gở của Tây Âu, vẫn còn phải bàn cãi dài dài. Trước khi có khả năng bùng nổ sự tác động xã hội của hình thức nghệ thuật này là vấn đề đáng để mọi người suy nghĩ và quan tâm.

                            Bài, ảnh: Hương Trà – Công an Thành phố Hồ Chí Minh