Mặc dầu đã xuất hiện rải rác cách đây vài năm với vài cuộc triển lãm, nhưng bước qua năm 1997, hình thức sắp đặt (Installation) ở Việt Nam đã bắt đầu có dấu hiệu “bùng nổ”. Trong năm ở TP HCM và Hà Nội, nhiều cuộc triển lãm sắp đặt đã mở ra. Trước hết, phải kể đến triển lãm gây xôn xao dư luận và trở thành một vụ tai tiếng là triển lãm Không gian nghệ thuật của hai hoạ sĩ trẻ Nguyễn Văn Tiến và Trần Anh Quân ở Văn Miếu – Hà Nội từ dạo đầu năm. Tiếp theo là các triển lãm của Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Văn Cường, Bradford Edward (hoạ sĩ Mỹ)… ở Hà Nội, và của Bradford Edward, Lê Thừa Tiến, Nguyễn Minh Phương, Trần Chí Lý, Lê Trọng Lộc, Nguyễn Minh Thành… và của một số hoạ sĩ khác trong triển lãm hoạ sĩ trẻ TP Hồ Chí Minh lần thứ 2.
Trước sự bột phát tuy chưa rầm rộ nhưng có phần ồn ào đó, dư luận đã có những phản ứng hết sức khác nhau – đại thể, một bên hào hứng đón nhận, cổ võ với niềm tin về sự bùng bổ “tất yếu” của hình thức sắp đặt ở Việt Nam (đáng chú ý là bên này có nhiều người nước ngoài như Helene hagemans, Bradford Edward…) và một bên tỏ thái độ dè dặt, nghi ngờ về nghĩa nghệ thuật cũng như các tác động xã hội của hình thức nghệ thuật này (đa số là các hoạ sĩ lão thành…)
Sự thật thì hình thức sắp đặt không có gì mới mẻ. Mới chỉ ở khái niệm – Installation – ra đời ở châu Âu vào khoảng năm 1970, và mới ở sự chuyên nghiệp hoá – chiếm chỗ và tồn tại độc lập trong không gian của các hình loại nghệ thuật “truyền thống hơn” như điêu khắc, hội hoạ…. và nhiều hoạ sĩ lựa chọn hình thức sắp đặt làm phương tiện biểu hiện độc tôn. Trong thực tế, về hình thức, nghệ thuật sắp đặt xuất hiện ở châu Âu từ những năm đầu thế kỷ 20 với những tác phẩm “sẵn có” (ready made) của Marcel Duchamp (Pháp). Những cuộc triển lãm này gợi mở cho ý tưởng: trong bối cảnh của xã hội hiện đại mà mọi sự không ngừng thai đổi, sự vật trong tính xác định về không gian và thời gian của nó, có thể vượt qua các ý nghĩa và giá trị riêng biệt để trở thành phương tiện biểu đạt trong nghệ thuật. (M.Duchamp). Ý tưởng này được hưởng ứng và không ngừng phát triển. Do đó, hình thức sắp đặt cũng không ngừng biến đổi. Cho đến thời điểm hiện nay, ở châu Âu và Mỹ, hình thức sắp đặt được tiếp nhận ở một số đặc trưng; Một, hình thức sắp đặt thuộc phạm trù nghệ thuật ý tưởng, nghệ thuật nhận thức – những tác phẩm sắp đặt thành công như Plight (1985) của hoạ sĩ Đức – Hans Haaeke đều có ý nghĩa tác động đến một thức tỉnh lý tính nào đó. Nghệ thuật sắp đặt buộc người ta đối diện với các vấn đề của cuộc sống – cũng giống như các cách của báo chí, truyền hình – do đó mà các nhà phê bình phương Tây đều xác định: sự phát triển của nghệ thuật sắp đặt là dấu hiệu của nền dân chủ phát triển…. Hai, hình thức sắp đặt là một chỉnh thể nghệ thuật, tự thân có những “nguyên lý” cấu tạo riêng: đầu tiên là “nguyên lý” thống nhất trong không gian hội nhập – ấn tượng là một phần của một nhận thức hay xúc tác dẫn đến một nhận thức chính yếu tuỳ thuộc vào bầu không khí bao trùm tác phẩm, tiếp theo là “nguyên lý” thống nhất trong các tương quan hình thức của bản thân tác phẩm – ý nghĩa tác phẩm xác định bằng sự tương tác của các yếu tố hình thức theo một mối liên tưởng logic nào đó có tính chất giả định, biện chứng hay nội tại.
Trên các “căn bản” này, trở lại với những gì được gọi là “installation” ở Việt Nam lâu nay, hẳn thấy, đa số chỉ mới là sự tập tành, nghiệp dư. Trong các tác phẩm sắp đặt triển lãm ở Việt Nam năm qua, có lẽ các tác phẩm của Bradford Edward là thành công hơn cả về mặt biểu đạt – mọi tác phẩm đều có ý tưởng sáng tỏ. Điều đáng tiếc là các ý tưởng của anh không có gì mới mẻ, thiếu chiều sâu, và đáng tiếc hơn sự quá chặt chẽ về cấu trúc logic trong hình thức quá độc lập với không gian nghèo nàn cảm xúc và thiếu ấn tượng. Tác phẩm thành công nhất của Bradford Edward là tác phẩm Ba trụ cột hoà giải bày biện ba cột nón dát vàng sáng tác cùng với hoạ sĩ Việt Nam Lê Thừa Tiến trong triển lãm 1 + 1 ở gallery Không Gian Xanh vào cuối tháng 4 – 1997. Các hoạ sĩ Việt Nam ….. Phạm Trọng Hậu phần lớn đều có vẻ quá hồn nhiên “ngây thơ” trước hình thức đậm đặc tính chất duy lý này. Tác phẩm sắp đặt với thân tràm bó vải màu có cảm hứng từ sắc phục của một số dân tộc thiểu số Tây Nguyên của Nguyễn Minh Phương chứng minh điều này – tác phẩm lạc lõng (thực tế là lạc điệu) trong không gian (gallery Không Gian Xanh) không định hình một ấn tượng và không định hướng cho một nhật thức nào cả. Tác phẩm Thượng đế đã sáng tạo ra đàn bà và… của Phạm Quỳnh Giao trong triển lãm hoạ sĩ trẻ TP Hồ Chí Minh cũng vậy – nó giống như sự bày trò của trẻ con hơn là một tác phẩm của một hoạ sĩ… Những hoạ sĩ khác như Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Trọng Lộc, Trần Chí Lý, Mạc Anh Dũng…. thực tế cũng “ngây thơ” không kém nhưng vô tình (hoặc cố ý) để tự khoác cho mình một dáng vẻ nghiêm trang hay đạo mạo hơn. Tác phẩm của họ trong đa số trường hợp như là cố gắng xây dựng các biểu tượng … tính khái quát – chẳng lạ gì mà họ ưa khai thác các hình ảnh, các môtíp tạo hình có nguồn gốc sắc tộc và ưa diễn giải bằng các chữ nghĩa tối tăm của cái được gọi là “tâm linh” là “triết lý kinh dịch” v.v… Thực tế thì với các hoạ sĩ này có thể giải thích cách khác, “Installation” đối với họ thuần tuý chỉ là một gợi ý, một khích lệ để trở về với cội nguồn của hình thức sắp đặt vối hiện hữu xa hơn trong lịch sử văn hoá của mình – trong hình thức thấm đẫm tinh thần tôn giáo như trong không gian nhà mồ Tây Nguyên, hay chuyển tải nhân sinh quan (đồng nhất với vũ trụ quan) phương Đông như trong nghệ thuật non bộ (non bộ nước Trung Hoa, non bộ khô Nhật Bản) nghệ thuật tiểu cảnh (xếp đá, cây khô v.v.. phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…) Điều đáng tiếc là họ, đa số vẫn loay hoay học tập cái “vốn có” nào cũng được xây dựng trên nền một bốicảnh với một phương thức tư duy thích ứng. Do đó tác phẩm của họ thường thể …. không gian xã hội đương đại.
Tóm lại, hình thức sắp đặt không mới và xét đến cùng cũng chỉ là phương tiện cho biểu hiện nghệ thuật. Nó có bùng nổ ở Việt Nam trong tương lai hay không cũng chẳng quan trọng. Điều chính yếu là trong những hình thức cụ thể mỗi tác phẩm được sáng tạo thực sự sống động với những cái xúc có cội nguồn và tác động đối với xã hội với những lý tưởng thẩm mỹ như thế nào. Mọi sự tán dương hay dè dặt, nghi ngờ… về hình thức sắp đặt thuần tuý hiện tại đều vô nghĩa. Cần thiết hơn của hoạt động phải bình trên tinh thần đối thoại.
Nguyên Hưng – b áo Th ể Thao & V ăn H óa