HOẠ SĨ NGUYỄN VĂN TIẾN VÀ CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT “SINH”
Họa sĩ Nguyễn Văn Tiến, được biết đến nhiều hơn với biệt danh Tiến Văn Miếu. Biệt danh này ra đời từ sau sự kiện “Không gian nghệ thuật” Nguyễn Văn Tiến, thực hiện chung với Trần Anh Quân ở Văn Miếu, Hà Nội, năm 1997, mà sự phê phán bùng nổ ngay lúc ấy, cho đến nay, và có lẽ còn lâu về sau nữa, sẽ còn cần phải được tiếp tục đào xới, lý giải!
Sau “Sự kiện Văn Miếu”, họa sĩ Nguyễn Văn Tiến chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Im lặng một thời gian, năm 2001, Nguyễn Văn Tiến ra mắt với triển lãm “Tôi ơi!” ở Hành lang Bích Câu, Cung Văn hóa Lao động TPHCM. Triển lãm gây sốc bởi sự “nhếch nhác khác thường” của nó. Và, chính điều này, cũng là một thông điệp buộc phải suy nghĩ.
Sau triển lãm “Tôi ơi!”, Nguyễn Văn Tiến lại “mất hút” đâu đó thời gian dài. Có người giải thích Nguyễn Văn Tiến “bỏ nghề”. Nhưng cũng có người cho rằng “khoảng lặng” này, với Nguyễn Văn Tiến, “cũng là một hành vi nghệ thuật”.
Sự trở lại bất ngờ của Nguyễn Văn Tiến với loạt tác phẩm “Xà bần II – Sự ra đời của thần Vệ nữ” — có sự tham gia tương tác của nhóm “Khoan cắt bê tông” vào tối 24 tháng 10 năm 2010, ở một căn nhà tạm bợ trong khu dân cư nghèo Bình Triệu, Sài Gòn, cũng đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều. Vẫn là một Nguyễn Văn Tiến gai góc với các vấn đề đương đại, nhưng trong triển lãm này, đó là sự mổ xẻ gần như đến mức “tàn nhẫn” vào ngay con người nghệ sĩ, vào quan niệm về nghệ thuật và về cuộc sống của chính mình.
Tiếp theo, tối 23 tháng 1 năm 2011, cũng tại căn nhà tạm bợ trong khu dân cư nghèo Bình Triệu, Sài Gòn, Nguyễn Văn Tiến đã đưa ra tác phẩm sắp đặt và trình diễn “Sợi chỉ đỏ”. Tác phẩm này cũng với sự tham gia tương tác của nhóm “Khoan cắt bê tông”, thêm phần âm thanh của KRIST-K, một nghệ sĩ âm thanh người Hungary. Báo chí trong nước hầu như im lặng trước tác phẩm có vẻ đơn giản này, nhưng ý nghĩa của nó thì dường như vẫn được bàn tán trong công chúng nghệ thuật cho đến nay.
Điều tôi muốn ghi chú, là cho đến nay, người trong làng mỹ thuật Việt Nam, biết và nhắc đến Nguyễn Văn Tiến, phần lớn, đều cho rằng Nguyễn Văn Tiến là một họa sĩ ưa gây sốc và chỉ tìm sự nổi tiếng bằng cách gây sốc…!
Tôi không nghĩ như vậy. Cơ bản chỉ vì Nguyễn Văn Tiến có một cách nhìn, cách nghĩ khác…
Ám ảnh lớn nhất trong tư duy nghệ thuật Nguyễn Văn Tiến, biểu hiện từ triển lãm đầu tiên ở Văn Miếu (cùng với Trần Anh Quân) đến giờ, vẫn là ám ảnh về tự do của người nghệ sĩ, của con người nói chung. Với ám ảnh này, nghệ thuật của Tiến là sự hoà trộn hay giao động giữa các cảm xúc trữ tình thế sự với siêu hình. Không gian nghệ thuật của Tiến, bao giờ cũng là không gian xã hội. Chất liệu nghệ thuật của Tiến, bao giờ cũng là chính bản thân mình. Và, hình thức nghệ thuật của Tiến, bao giờ cũng là sự va đập giữa cá nhân Tiến với một sức mạnh tượng trưng nào đó… Tiến không ngần ngại va chạm. Kể cả những vấn đề nhiều người phải né tránh vì sự “nhạy cảm”.
Ở đây có một vấn đề “đụng chạm”. Đó là vấn đề quan niệm về cái đẹp và về vai trò của người nghệ sĩ. Do giáo dục và do truyền thông, cho đến nay, không chỉ với đại đa số công chúng mà với hầu hết họa sĩ Việt Nam, vai trò của người nghệ sĩ vẫn là phải tạo ra những tác phẩm có giá trị vật thể, có một vẻ đẹp cân bằng về mặt thị giác và có tính ước lệ… Niềm tin vững chắc với cách nhìn này đã loại trừ cái mới. Nó cản trở sự vận động phát triển của các hình thức nghệ thuật đương đại. Không chỉ vậy. Nó còn cản trở một sự nhìn lại những tác phẩm cũ…
Trong nghệ thuật, không chỉ có cái đẹp hình thể, mà còn có cái đẹp của tư tưởng, của sự thông minh, của lòng nhân ái, của trí tưởng tượng bay bổng và của sự dũng cảm v.v.
Và chúng ta cũng đừng quên, ngay cả những tác phẩm cổ điển cũng đã không ngừng tái sinh trong những cách nhìn khác nhau ở những thời đại khác nhau…
Thực tế, hậu quả của niềm tin vững chắc vào một quan niệm về nghệ thuật và về cái đẹp như đang có, không chỉ cản trở sự ra đời của cái mới, mà còn cản trở sự phát triển của tư duy.
Tất cả những cố gắng của chúng ta trong việc sử dụng và thể nghiệm các hình thức nghệ thuật đương đại hiện nay, xét đến cùng, chính là để thúc đẩy cho sự đổi mới và phát triển của tư duy. Đó là nền tảng đổi thay chất lượng sống và phát triển xã hội.
Điều cần thiết nhất đối với chúng ta lúc này, là cách nhìn cởi mở và thái độ nhân văn trong hành động dấn thân.
Các tác phẩm của Nguyễn Văn Tiến đã không mang lại cho anh bất cứ lợi ích kinh tế nào, nhưng ý nghĩa của nó thì thực sự lớn lao. Nó biểu hiện cho tự do nhân tính nơi con người. Và, anh đã tồn tại được, trong cuộc sống và trong nghệ thuật, bởi những tâm tình đồng điệu!
*
“SINH” của Nguyễn Văn Tiến không đơn giản là một triển lãm tranh. Đó là một chương trình nghệ thuật mà cả hình thức lẫn nội dung, qua sự tham gia, tương tác của các nghệ sĩ được mời và của công chúng, đã không ngừng được tạo sinh, triển nở…
Ở đây, cái tôi khái niệm của người nghệ sĩ đã được thu nhỏ lại. Anh chỉ đưa ra một vài ký hiệu và biểu tượng thể hiện trong vài cấu trúc đơn giản. Phần còn lại, là sự phát triển, biến đổi và ứng dụng của các thành phần tham gia. Hành động nghệ thuật của Nguyễn Văn Tiến ở “SINH” như “tiếng hú gọi bầy”, và kết quả, như chúng ta đang thấy, là một sự đồng vọng của tinh thần cộng đoàn.
Có rất nhiều vấn đề thời sự, xã hội và nhân sinh đã được khơi gợi, nắm bắt. Tuy nhiên, có lẽ tôi không cần phải mô tả hay phân tích vào từng chi tiết. Bởi lẽ, nó đã hiển thị khá rõ ràng trước mỗi chúng ta. Và, thực ra, chúng còn vẫn đang tiếp tục được tạo sinh, triển nở…
“SINH” của Nguyễn Văn Tiến, bởi vậy, bao gồm luôn cả sinh nở, sinh thành, sinh trưởng, sinh sống, sinh sôi… và… sinh tử!
Nguồn: tienve.org