Gần đây, trong nghệ thuật xuất hiện vài gương mặt trẻ cố gắng tìm tòi cái mới hay nói đúng hơn, cái khác người để khỏi nhẫm lẫn với thiên hạ nên cái tôi bắt đầu phát tiết. Đơn cử trường hợp đầu tiên là hoạ sĩ N.V.T người có biệt danh “T. Văn Miếu” lẫy lừng với cuộc triển lãm tại một nơi được xem là hội tụ nhiều nguyên khí quốc gia. Khăn sô, vải liệm, máu, mộ huyệt, cây thập tự qua sự sắp đặt “đầy tính nghệ thuật” của “T. Văn Miếu” đã làm sửng sốt và bàng hoàng bất cứ ai xem qua tranh ảnh hay tận mắt chứng kiến. Sau triển lãm đầy tai tiếng đó “T. Văn Miếu” lặn một hơi dài vào tận Sài Gòn, tổ chức triển lãm Tôi ơi! nhẹ nhàng hơn (không máu me) nhưng cũng vứt đầy khăn sô, chiếu cói, đủ thứ vật dụng rác rưới khác và cảnh hoạ sĩ cũng đồng đạo tóc tai rũ rượi quỳ trước bát hương – nhanh đèn – hoa quả lầm rầm khấn vái “cầu hồn người cõi âm về mua tranh”? bên cạnh ám ảnh về cái chết đó là lẽ ám ảnh thường xuyên nhất của hoạ sĩ này là âm vật và dương vật, vì tất cả tranh đều chú đào sâu mọi tưởng tượng lẫn tả thực tả ảo cho nó. Tuy nhiên triển lãm lần này của T. xem ra chẳng om sòm như ở Hà Thành, có vẻ Sài Gòn quá đông người nên chút gió độc này chưa kịp gây bệnh cho ai. Tình cờ nghe được lời giáo huấn của L, một nữ thơ trẻ, cũng từ Hà Nội chân ướt chân ráo đến Sài Gòn, lới tiếng giảng cho người khác về cái gọi là nghệ thuật sắp đặt của chàng hoạ sĩ trên, có vẻ “hoàn cảnh” và đồng cảm lắm.
Riêng về nhà tơ nữ tên L, tập thơ thứ hai ra đời mang đến ngồn ngộn tai tiếng vẫn chưa làm nàng tỉnh mộng “tôi đã nổi loạn và sẽ tiếp tục nổi loạn” vì bên cạnh vẫn còn vài “nhà” lớn tiếng xem sự bứt rứt và thèm khát thể xác ấy là trẻ – mới – hiện đại – mang tầm vóc quốc tế hoá! Cảm thấy sự quậy đục nước của mình chưa may mắn nằm ở nơi đất rộng người đông, nàng thơ vạch hẳn kế hoạch Nam tiến. Trước hết, liên tục gửi cho các cây viết văn nghệ của các báo phía nam hàng xấp thơ, bài viết về mình cả khen lẫn chê, kèm theo những lời lẽ tự tâng bốc. Mỗi lần “rãi mè” (câu nói đùa về động tác lấy trái tim băm nhỏ thành trăm nghìn mảnh, thổi bay lên trời, rơi trúng ai thì trúng, trật hết thì lấy trái tim thứ hai ra băm tiếp), sau thời gian chờ đợi không thấy ai tâng bốc mình, nàng gọi điện từ xa “nhắc nhở” và trấn an bằng giọng nữ tông cao với những câu đại loại như: “Anh (chị) yên tâm ca ngợi L đi!”. Nhưng cánh báo chí phía Nam rõ ràng có mối liên hệ khăng khít nên tất cả các “chiêu thức” của nàng hầu như rơi vào sự im lặng trên mặt báo và trở thành chuyện cười của làng văn nghệ. Trước sự hờ hững của các phương tiện truyền thông, L quyết định tổ chức hẳn một đêm thơ nhạc tại một NVH Sài Gòn. Thư mời đã phát đi, chương trình đã chuẩn bị, còn 2 ngày nữa đến buổi diễn. Đùng một cái, NVH đó kiên quyết không cho diễn vì trong một cuộc họp cấp thành phố, một lãnh đạo đã nhắc nhở các cơ quan truyền thông “cảnh giác”. Để chữa thẹn, L tổ chức đêm thơ tại một bar rượu mới khai trương ấm cúng và đầy tình “đồng chí” hơn. Gầy đây có lẽ nhiều phóng viên văn hoá – văn nghệ phía Nam đã bực mình quá đỗi sự tiếp thị trơ trẽn có chiều hướng gia tăng và lan rộng vì nàng cũng len lỏi vào các cuộc họp báo, các chương trình ca múa nhạc để nhân tiện rải những bản photo có liên quan đến mình, bắt đầu rải rác trên các báo đã lên tiếng về lối sống trẻ người non văn hoá “kiểu L”. Muốn mọi người biết đến cái tôi của mình, cũng cần một cái ta tương xứng và khiêm tốn chứ không phải kiểu tự túm tóc lôi lên!
Trong tình hình văn hoá văn nghệ nước nhà đang hoà đồng mà không hoà tan vào thế giới, sự sao chép quê kệch của một số văn nghệ sĩ, trái với thuần phong mỹ tục và cái nhìn lệch lạc về cuộc sống hoà bình, đã ảnh hưởng xấu đến bộ mặt văn nghệ. TP HCM với vai trò trung tâm kinh tế cũng đang từng bước mong muốn trở thành trung tâm văn hoá thuần khiết, nên Sở VHTT vừa đưa ra ý kiến sẽ thẳng tay và triệt để bài trừ cũng như cảnh giác những cái tôi bệnh hoạn này./.