Triển lãm “Không gian nghệ thuật” của Nguyễn Văn Tiến và Trần Anh Quân (1/1997) là một trong những cố gắng ít ỏi ở Việt Nam nhằm đem mỹ thuật ra ngoài những bức tường của phòng tranh, sử dụng ý nghĩa và sự tượng trưng sẵn có của một không gian công cộng (trong trường hợp này là khu Văn Miếu, Hà Nội) trong tác phẩm, và tìm đối thoại với một công chúng không đặc trưng, nghĩa là với những người có thể chưa bao giờ bước chân vào một phòng tranh hay bảo tàng, cũng như chưa bao giờ tiếp xúc với mỹ thuật hiện đại.
Triển lãm này đã gây ra những phản ứng gay gắt, quyết liệt trên các phương tiện thông tin đại chúng, kéo dài trong nhiều tháng. Tôi xin giới thiệu lại một số bài báo trong một lượng bài khá lớn xung quanh “sự kiện” Văn Miếu này. Điểm lại những bài viết trên, tôi thấy chúng đặt ra một số câu hỏi:
Câu hỏi về quan điểm mỹ thuật: Rất nhiều, nếu không nói tất cả các bài báo đều không quan tâm sâu hơn tới thông điệp của triển lãm, và cũng không phân tích nó dưới góc độ chuyên môn (triển lãm này mới mẻ hay dập khuôn trong việc sử dụng chất liệu vải màn, chiếu, sơn đỏ v.v…, thành công hay không trong việc dùng không gian Văn Miếu và cấu trúc trong ba ngày để truyền tải chủ đề sinh – tử của mình). Những bài báo này bày tỏ một quan điểm thẩm mỹ tương đối đơn giản và nguy hiểm: mỹ thuật phải “đẹp” (và càng phải vậy khi có người nước ngoài nhìn vào). Chất lượng của mỹ thuật có thể được đo đơn giản thế chăng? Sẽ có nhiều sự tán thưởng hơn nếu các tác giả dùng lụa tơ tằm chứ không phải vải màn để quấn quanh các gốc cây? Nếu các tác giả tổ chức tại Văn Miếu một đêm hoa hậu, đặt “vẻ đẹp hiện đại trên nền văn hoá truyền thống lâu đời”?
Câu hỏi về ranh giới của nghệ thuật: Mỗi khi nghệ thuật chạm đến taboo thì câu hỏi về sự được phép hay không được phép của nghệ thuật lại được đặt ra. Nghệ thuật có quyền thách thức và khiêu khích (provoke) cách nhìn, cách suy nghĩ và các giá trị văn hoá tới mức nào. Gắn liền với câu hỏi trên là câu hỏi về sự tự do của nghệ thuật và về autonomy của những người làm nghệ thuật. Hiến pháp nước Cộng Hoà Áo, điều 17a ghi: “Sự sáng tạo nghệ thuật, giới thiệu nghệ thuật và giảng dạy nghệ thuật (thì) tự do”. Báo Nhân Dân, khi biết Tiến và Quân học tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, yêu cầu: “nên xem xét cách giảng dạy và đào tạo của trường (Đạo Học Mỹ thuật Hà Nội) liệu có đúng định hướng lấy nghệ thuật phục vụ đời sống xã hội hay là thử nghiệm các “sáng tạo” dị dạng…?”
Câu hỏi về sự bảo vệ các nghệ sĩ và người tổ chức văn hoá: rất nhiều bài báo kết thúc sự công kích của mình bằng đòi hỏi “các nhà chức trách có biện pháp, kỷ luật, xử lý các cá nhân vi phạm”. So sánh với các cuộc tranh luận tương tự tại phương Tây, đây là một điểm khác nhau cơ bản. Có thể lấy bức tượng “Giáo hoàng Paul II bị đè bẹp bởi một thiên thạch” gần đây của nghệ sĩ Ý Maurizio Cattelan làm ví dụ (xem hình bên). Bức tượng này đã gây ra những chỉ trích và phản đối gay gắt, đặc biệt từ phía những người Công giáo. Thậm chí khi được triển lãm tại Ba Lan, nó đã bị một nhóm người xem tìm cách phá huỷ. Nhưng trong toàn bộ quá trình tranh cãi, không khi nào có một yêu cầu “xử lý” Cattelan hay những người tổ chức triển lãm. (Biện pháp hầu như duy nhất mà các nhà chức trách phương Tây có trong tay để công cụ hoá nghệ thuật là cắt bỏ tài trợ).
Cuối cùng, đối với tôi, những ý kiến phê bình triển lãm Văn Miếu tỏ ra có một sự đồng điệu đáng kinh ngạc. Sự phân loại tốt – xấu trong trường hợp này quá dễ dàng như vậy ư? Chúng ta có một công luận thống nhất hoàn toàn về quan điểm chăng, và nếu đúng vậy, ta có thể kết luận được gì về sự phong phú trong tranh luận mỹ thuật tại Việt Nam, một sự phong phú tối cần thiết để tạo ra những chất lượng mới?
Tôi cho rằng sự kiện Văn Miếu và những phản ứng xung quanh nó là một điểm thích hợp để chúng ta tiếp nối cuộc thảo luận của bàn tròn “Mỹ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu?” (sẽ kết thúc vào cuối tháng 12), và tiếp tục suy nghĩ về hiện trạng, cấu trúc và hoạt động của bộ máy mỹ thuật Việt Nam. Xin mời bạn đọc phát biểu.
“Không gian nghệ thuật”, Nguyễn Văn Tiến – Trần Anh Quân (1997)