Nhân đọc bài “Nếu là “Giấc mơ” thì đây là một giấc mơ xa lạ với người Việt Nam” của Từ Duy đăng trên TP số 27 (3/4/1997) tôi chợt nhớ đến một cuộc trưng bày kỳ quặc không kém. Đó là “Không gian nghệ thuật” được bày tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám của hai tác giả Nguyễn Văn Tiến và Trần Anh Quân vào dịp đầu năm nay (từ 16 đến 19 tháng 1 năm 1997). Một cuộc trưng bày đã làm cho khách tham quan du lịch Văn Miếu thực sự bị chấn thương!
Hai tác giả trẻ này sử dụng loại hình “xếp đặt” mà một số nước phương Tây không còn lạ. Vào đầu thế kỷ này Marsel Duchamp (người Pháp) đã từng bày tại một Galơri một số vật được chế tạo hàng loạt như: bánh xe đạp, ghế ngồi, xẻng, bô và coi đây như những “tác phẩm Nghệ thuật có sẵn”.
Nhưng năm năm mươi, Palseir một nữ hoạ sĩ người Mỹ sống tại New York đã “sáng tác” bằng cách nhúng chiếc chổi vào những thùng sơn đen, trắng và vẩy từng đợt lên những tấm toan lớn, thậm chí đổ cả xô màu cho sơn chảy tràn tự do trên mặt toan. Bà ta khoái trí cho đó là “tác phẩm” trừng tượng nước.
Năm 1985, hoạ sĩ người Đức Joseph Beuys xếp một chiếc Piano nắp đậy kín, trên mặt để một tấm bảng đen và một chiếc nhiệt kế trong một căn phòng chức đầy những súc vải nỉ tạo nên sự bóp nghẹt âm thanh và sự tù hãm của nhiệt lượng với chú thích “Cảnh ngộ” (Pilight).
Còn chuyện ở ta Nguyễn Văn Tiến, Trần Anh Quân chọn Tả Vu sau khu Điện Đại thành trong khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám để “bày đặt” chiếu cói, vải xô, túi nilông, lọ gốm, xô nhựa đựng đầy phẩm đỏ….
Ngót trăm chiếc chiếu được vẽ, vẩy trát, đủ các loại hình mà nổi lên vẫn là các vòng tròn, hình chữ nhật, hình vuông được điểm thêm các dấu trừ, dấu cộng, mũi tên trắng, đỏ, chỉ đủ tám phương bốn hướng trải đầy giữa đường gạch, bãi cỏ, phủ dày đặc lên bờ tường (sau khu Điện Đại thành).
Hàng trăm mét vải xô loang lổ phẩm đỏ trông như những vết máu, chằng ngang, băng bó, quấn thắt vào các gốc cây, cành cây, bờ tường. Ngay cạnh lối đi lại là những chiếc màn được buộc bốn góc lùng bùng, xộc xệch trên bốn cọc tre xiêu vẹo thẩm ướt.
Nhiều bức tranh màu dầu đủ kích cỡ, không tài nào nhìn rõ được hình hài, được bó, quấn vào các gốc cây, hoặc treo lơ lửng bên cạnh những bình lọ, túi ni lông đựng phẩm đỏ chảy lách tách xuống xô nhựa, vạt cỏ…
Còn hai tác giả thì trói nhau vào, mũi miệng bịt kín bằng chiếc khẩu trang, duy chỉ còn hai đôi mắt vẫn còn hoạt động.
Tất cả những gì ở đây; chiếu, màn, xô, lọ… đều được “bế mạc” bằng cuộc hoả thiêu gần Gác Khuê Văn nổi tiếng.
Mọi người dân Việt Nam đều rất rõ: Văn Miếu Quốc Tử Giám là một di tích văn hoá Quốc gia trước kia là nơi đào tạo nhân tài đất nước, được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi thờ cúng tôn vinh nền học Việt Nam với những tấm bia lưu danh các tiến sĩ qua các triều đại là biểu tượng tiêu biểu bậc nhất của nền văn hoá Việt Nam. Tại sao một cuộc trưng bày như thế lại có thể được phép diễn ra nơi này? Đành rằng chúng ta có thể chấp nhận nền mỹ thuật có nhiều dòng chảy, từ hiện thực đến siêu thực, trừng tượng, song, mọi dong chảy đều pải ra biển cả, đến bến bờ đích thực Việt Nam.
Dù xu hướng nghệ thuật nào, chất liệu, bút pháp gì tất thảy phải nói được tính nghề nghiệp sự nghiêm túc của tác giả – nghệ thuật phải hướng tới cái đẹp đích thực, cái chân, thiện, mỹ trong tác phẩm phải được gìn giữ, nâng cao.
Với tấm lòng của một người vốn quý trọng giá trị nghệ thuật, tôi thấy cuộc trưng bày này thật chắp vá, khiên cưỡng, lập dị đến quái gở, thật sự thiếu thẩm mỹ.
Tìm tòi, áp dụng sự sáng tạo giữa phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống và hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc nét văn hoá truyền thống ấy mới là điều đáng tôn kính và khuyến khích. Chớ lạm dụng từ “Mỹ thuật” để làm điều phi mỹ thuật.
Lưu hà – Tiền phong số 30 (4/1997)