Triển lãm “Tôi ơi!” của Nguyễn Văn Tiến ở hành lang Bích Câu – Cung Văn hoá Lao động thành phố – đã thu hút một lượng công chúng đông đảo. Điều gì đã tạo nên sự “hiếu kỳ” này?
Hẳn nhiên trong số đó, nhiều người đến, đơn giản chỉ vì tò mò. Tiến từng nổi tiếng là một hoạ sĩ ưa gây sốc. Nhiều người bước vào phòng triển lãm, đảo xem nhanh một vòng rồi lắc đầu quay ra. Có người nói “Tưởng gì! Chẳng có gì để xem, bất quá cũng chỉ là phá phách cho khác người”….
Ngược lại, nhiều người đã đến bằng một tình cảm khác, với thái độ khác. Hoạ sĩ Phạm Đỗ Đồng, người đại diện Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí MInh cắt băng khai mạc triển lãm “Tôi ơi!” của Nguyễn Văn Tiến, đã phát biểu: “Những gì Tiến bày trong triển lãm là mới. Tất nhiên, không phải cái gì mới cũng đều đáng tán dương, ủng hộ. Ngược lại, tất nhiên không phải cái gì mới cũng phải dè chừng, phản bác hay phủ định. Riêng triển lãm với “cái mới” này của Tiến, tôi cảm thấy thú vị và ủng hộ. Nó không lập dị mà chân thành. Tôi cảm thấy ở Tiến có sự nhiệt tâm và dũng cảm…”. Còn thầy giáo dạy toán yêu thơ, yêu nghệ thuật nổi tiếng, Cù An Hưng, lại nói: “Triển lãm này của Tiến chắc có lẽ sẽ làm một số nghệ sĩ phải nghĩ lại về công việc sáng tạo của mình. Tiến xứng đáng với danh hiệu avant-garde (tiền phong). Anh ta có điều để nói và biết cách nói….”.
Triển lãm của Tiến có tên “Tôi ơi!”. Giải thích chủ đề, Tiến nói: “Ví dụ tôi là một hoạ sĩ. Người ta nhìn tôi là một hoạ sĩ – một nghệ sĩ, yêu cái đẹp, luôn đi tìm cái đẹp, luôn đi tìm cái mới và ứng xử khác người,v.v…. Điều này không chắc đúng. Luôn luôn có nhiều “tôi” trong tôi. Có những cái “tôi” không chức là tôi (mà vẫn là tôi). Những cái “tôi” này đấu tranh với nhau, chuyển hoá lẫn nhau. Và tôi biết rằng, chỉ khi “tôi” là tôi, tôi mới thực sự hiện hữu. Với cuộc triển lãm này, tôi muốn phơi trần tất cả cái “tôi” mà tôi ý thức được trong tôi.”
Có lẽ đúng như Tiến nói, với “Tôi ơi!” Tiến triển lãm chính mình. Anh bày tranh, nhưng tranh cũng chỉ là một chất liệu. Tranh, anh kẹp trên dây như người ta phơi áo, phơi quần, hay cuộn tròn bày trong rổ tre như người ta bán hàng xén. Anh làm sắp đặt (Installation) nhưng không nhằm kiến tạo một không gian thẩm mỹ mà chỉ nhằm tạo ra một bối cảnh tượng trưng. Mỗi yếu tố ở đây, từ cách bày tranh, những con bù nhìn, những bục gỗ vuông vức sơn xanh sơn đỏ, v.v… đều có thể được xem là “dấu vết” của một cái “tôi” nào đó của Nguyễn Văn Tiến. Sự hỗn độn tổng thể có nội dung biểu hiện. Biểu hiện cho sự hỗn độn nội tại….
Với hình thức này, nghệ thuật Nguyễn Văn Tiến khó cảm thụ đối với nhiều người, nhất là với những người vẫn quen nhìn nghệ thuật qua lăng kính cổ điển hay hàn lâm. Nhưng đó là một sự lựa chọn phù hợp, và xem ra ở Việt Nam cho đến nay anh vẫn là người duy nhất có ý thức triệt để hơn hết với (và trong) hình thức nghệ thuật mới mẻ này.
Mậu Lâm – Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy