Bùng nổ Installation đi đến đâu?

Người ta bắt đầu để ý đến nó (Installation – nghệ thuật sắp đặt) khi có “vụ” hai sinh viên mỹ thuật Nguyễn Văn Tiến và Trần Anh Quân làm một cuộc bày ở vườn sau của Văn Miếu (Hà Nội), một cuộc bày gây “sốc” cho tất cả những người đến xem hoặc nghe tả về nó. Cái gì đây?

Thật ra Installation đã lặng lẽ đi vào Việt Nam từ những năm đầu 90, người hiểu và ham mê thể lại này có lẽ là hoạ sĩ Vũ Dân Tân. Anh đã làm sắp đặt trong cái không gian bé nhỏ và đầy ắp đồ vật của Salon Natasha 30 phố Hàng Bông – Hà Nội. Và người làm một cuộc trưng bày lớn, gây được hứng thú cho người xem đầu tiên là Nguyễn Bảo Toàn, với triển lãm “Đất qua lửa” tại 29 Hàng Bài, Hà Nội (1994). Và tại Paris cùng thời gian hoạ sĩ Trần Trọng Vũ cũng làm một cuộc sắp đặt khác với vật liệu là giấy quét màu và những tấm các-tông.

Vậy Installation là gì? “Là một thuật ngữ xuất hiện ở châu Âu và Mỹ những năm 70 dùng để chỉ một không gian có giới hạn, chẳng hạn một galerie hay một công viên. Một Installation cũng tựa như một câu chuyện, tự bộc lộ mình thông qua tìm tòi và sử dụng những yếu tố mỹ thuật khác nhau (Helene Hagemans). Rõ ràng đây là một thể loại tạo hình mới có nguồn gốc Âu Mỹ, được một vài hoạ sĩ Việt Nam thực hiện với một sự thích thú. Với Nguyễn Bảo Toàn, nó đạt được thành công sớm bởi tính cá thể, những bản sắc Việt thông qua chất liệu, cách xử sự với chất liệu và cách bày tỏ của hoạ sĩ.

1997, Installation lại rộ lên. Tahgns 5, Lê Thừa Tiến (hoạ sĩ Huế) và Bradford Edwards (tác giả Mỹ) tổ chức tại Galerie Không Gian Xanh cuộc triển lãm có nhan đề “Ba chiếc cột hàn gắn”. Tháng 6, Galerie Mai làm cuộc triển lãm có tên “Chuồng chim hoà bình” cũng của tác giả người Mỹ trên. Tháng 9, lại Không Gian Xanh hoạ sĩ Nguyễn Minh Phương làm một cuộc trưng bày rất thú vị với những thân cây cừ tràm được quấn vải vóc đủ màu sắc. Và kết thúc 1997, galerie Việt Nam làm một installation làm hoạ sĩ trẻ Nguyễn Minh Thành. Rất nhiều guốc và những khúc tre sơn màu, rất nhiều xô màn kết hợp với nền xanh giấy dó. Vậy thì Installation mang đến cho công chúng hội hoạ điều gì? Cái đẹp thuần tuý của sự sắp xếp và phối hợp chất liệu? Những ý tưởng triết học? Những cảm xúc có tính văn chương mà các hoạ sĩ muốn dùng chất liệu mỹ thuật để minh hoạ hay thuần tuý chỉ là để tạo “ép phê”, để gây “sốc” cho người xem, đánh vào họ những vấn nạn về xã hội và con người? Muốn hiểu chúng ta phải xem nó, để làm quen với nó có thể sống với nó, để biết mình có thể tiếp nhận hay chối bỏ. Chẳng bao giờ cuộc trưng bày Installation nào cũng tuyệt vời hoặc ngượi lại. Bởi cái thật và cái giả, cái độc đáo và cái dị hợm, cái tài và sự bất tài nó thường lẫn với nhau, đôi khi cùng có ở trong một con người, một cuộc chơi. Chỉ biết rằng Installation đã bắt đầu sống, sẽ sống và phát triển và với những gì tốt đẹp nhất nó sẽ mang đến những người xem những cảm thụ mới, làm phong phú cho con mắt và trí tuệ của chúng ta.

                                      Hạc Vân – b áo Th ể Thao & V ăn H óa(1997)