Poster chương trình nghệ thuật “Sinh”
– Hey, tối quỡn không cha?
– Quỡn, có trò gì vui không?
– Đi xem triển lãm.
– Triển lãm gì?
– Triển lãm hội hoạ.
– Vậy thì hổng quỡn. Ba cái tranh pháo của mấy cha họa sĩ hiện thực xã hội chủ nghĩa xem chán chết! Hết con đò, cây chuối, dòng sông thì tới hoa hoè, hoa sói… có khỉ gì mà xem? Hay bọn dư thì giờ và sơn, quẹt bậy quẹt bạ lên canvas, đặt cho một cái tên có vẻ bí hiểm rồi cho là tranh trừu tượng? Xem tranh chúng là xúc phạm tới trí tuệ của mình, bạn à.
– Không phải mấy thứ đó đâu, mà tranh và trò quậy của Tiến Văn Miếu.
– Tiến Văn Miếu à, cha này được. Đi!
Nguyễn Văn Tiến, thường được gọi là Tiến Văn Miếu, là một trong hai họa sĩ của “Sự kiện Văn Miếu” ở Hà Nội năm 1997, gây xôn xao dư luận làng mỹ thuật Việt Nam lúc bấy giờ, và những vấn đề của nó, cho đến nay, mà có lẽ còn lâu nữa, sẽ còn cần phải được đào xới, thảo luận.
Alec Schachner và các bạn nhóm “Nồi niêu soong chảo”
Hồi đó, Tiến và một người bạn hoạ sĩ đã làm một cuộc triển lãm nghệ thuật trình diễn (performance art) tại khuôn viên Văn Miếu, Hà Nội. Trong cuộc trình diễn, hai người lấy dây trói chặt nhau vào gốc cây, dùng vải sô quấn quanh các gốc cây rồi bôi máu heo và màu lên khắp nơi. Để làm gì, mang ý nghĩa, thông điệp gì ư? Chắc không mấy ai hiểu. Nhưng cái không gian kỳ dị, quái đản đó là có thật; nó gây sốc cho mọi người, và làm rộn lên, huyên náo lên cái không khí tù hãm, lừ đừ của Hà Nội và của nền mỹ thuật già nua ở thủ đô. Tiến đã bày một trò ngoạn mục và bất ngờ làm choáng váng các ông quan văn nghệ vốn tuân thủ mọi chỉ thị, đường lối tư tưởng chỉ đạo của ban Tuyên huấn hơn là những thôi thúc tìm tòi của tinh thần sáng tạo. Hệ quả là cả bộ máy tuyên huấn của Đảng xông vào lập mặt trận với vô số tờ báo hầu thanh toán mấy con chiên, mấy tên trẻ ngông cuồng hư hỏng, vô chính phủ, thậm chí còn tính chuyện đưa các nghệ sĩ và người tổ chức vào tù. Tiến thấy không ổn, phải chuồn ngay, và có tên Tiến Văn Miếu từ đó.
Sau “Sự kiện Văn Miếu”, Nguyễn Văn Tiến chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Im lặng một thời gian, năm 2001, Tiến ra mắt với triển lãm “Tôi ơi!” ở Hành lang Bích Câu, Cung Văn hóa Lao động Thành phố. Theo nhà nghiên cứu Nguyên Hưng thì đây lại là một triển lãm gây sốc bởi sự “nhếch nhác khác thường” của nó. Và, chính điều này, cũng là một thông điệp buộc phải suy nghĩ.
Sau triển lãm “Tôi ơi!”, Nguyễn Văn Tiến lại “mất hút” đâu đó thời gian dài. Có người giải thích Nguyễn Văn Tiến “bỏ nghề”. Nhưng cũng có người cho rằng “khoảng lặng” này, với Nguyễn Văn Tiến, “cũng là một hành vi nghệ thuật”
Sự trở lại bất ngờ của Nguyễn Văn Tiến với loạt tác phẩm “Xà bần II – Sự ra đời của thần Vệ nữ” có sự tham gia tương tác của nhóm “Khoan cắt bê tông” vào tối 24 tháng 10 năm 2010, ở một căn nhà tạm bợ trong khu dân cư nghèo Bình Triệu, SG, cũng đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều. Vẫn là một Nguyễn Văn Tiến gai góc với các vấn đề đương đại. Nhưng trong triển lãm này, gần như là sự mổ xẻ gần như đến mức “tàn nhẫn” vào ngay con người nghệ sĩ, vào quan niệm về nghệ thuật và về cuộc sống của chính mình.
Tiến Văn Miếu và tác phẩm
Tiếp theo, tối 23 tháng 1 năm 2011, cũng tại căn nhà tạm bợ trong khu dân cư nghèo Bình Triệu, Nguyễn Văn Tiến đã đưa ra tác phẩm sắp đặt và trình diễn “Sợi chỉ đỏ”. Tác phẩm này cũng với sự tham gia tương tác của nhóm “Khoan cắt bê tông”, thêm phần âm thanh của KRIST-K, một nghệ sĩ âm thanh người Hungary. Báo chí trong nước hầu như im lặng trước tác phẩm có vẻ đơn giản này, nhưng ý nghĩa của nó, thì dường như vẫn được bàn tán trong công chúng nghệ thuật cho đến nay.
Nói chung, rất khó xếp tư duy và hình thức nghệ thuật của Nguyễn Văn Tiến vào bất cứ khuynh hướng nghệ thuật đơn lẻ sẵn có nào. Và điều đó, buộc chúng ta sẽ phải tiếp tục khám phá về con người họa sĩ này. Và hôm nay, là cuộc triển lãm – nhưng với nhiều người, trong đó có người viết bài này, thích gọi các cuộc này là “cuộc quậy” hơn – có tên gọi “Sinh” của Tiến và các bạn của anh.
…
Hôm nay, chương trình nghệ thuật “SINH” của Họa sĩ Nguyễn Văn Tiến được thực hiện với sự tài trợ của Viện Goethe.
Khai mạc “SINH” bắt đầu vào lúc 16g30 bằng màn trình diễn âm nhạc bằng các loại nhạc cụ nồi, niêu, soong, chảo, ly, chén… của Alec Schachner và các bạn. Alec cũng là một tay “quậy không cần muỗng”. Anh người Mỹ, học xong chương trình đại học thì nổi hứng giang hồ qua các nước Châu Á rồi chọn ở lại Sài Gòn, đi dạy, lấy vợ và tham gia làm văn nghệ ngoài luồng với dân Sài Gòn.
Tiến và các bạn của anh cho rằng, thông điệp chính ở đây là: Nghệ thuật có thể bắt đầu từ bất cứ nơi đâu và bằng bất cứ phương tiện gì. Điều quan trọng hơn hết vẫn là một tinh thần cởi mở và một năng lực sáng tạo…
Riêng tôi, đứng giữa bạt ngàn lúc nhúc những con tinh trùng được vẽ khắp các bức tường, tôi nảy ra ý nghĩ rằng: nếu có lúc nào tuyệt vọng nhất thì hãy nhớ rằng mình đã từng là “con” khoẻ nhất, nhanh nhất, dũng mãnh nhất, ưu tú nhất, hào hoa nhất… trong cuộc đua tranh có hàng triệu đối thủ tham dự về cái đích SINH – SỰ SỐNG, và mình đã thắng, để thành cái thằng người hôm nay; với một quá khứ oanh liệt như vậy thì còn gì mà rầu nữa, hả cưng!
Dịch giả Nguyễn Tiến Văn phát biểu về nghệ thuật của Tiến Văn Miếu