TIẾN “VĂN MIẾU” TRỞ LẠI

Vào lúc 16h chiều qua (17/11) tại Mai’s Gallery (3A Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM), chương trình nghệ thuật của Nguyễn Văn Tiến (thường gọi Tiến “Văn Miếu”) và các nghệ sĩ cộng sự đã khai mạc, khiến người xem có đôi chút bàng hoàng.

Cuộc trình diễn có chủ đề là Sinh, như là một sự nối tiếp cách làm nghệ thuật của Tiến “Văn Miếu” từ những năm 1997 tại Hà Nội.

1. Khi nghệ thuật trình diễn và sắp đặt du nhập vào Việt Nam được 5-7 năm thì xảy ra sự kiện nghệ thuật có lẽ là ồn ào nhất, gây tranh cãi nhất cho tới bây giờ – triển lãm Không gian nghệ thuật của Nguyễn Văn Tiến và Trần Anh Quân tại Văn Miếu năm 1997. Sau triển lãm này, giới nghệ thuật thường gọi Nguyễn Văn Tiến là Tiến “Văn Miếu”.

S1A

Sau sự kiện tại Hà Nội, Tiến “Văn Miếu” dời vào TP.HCM sinh sống, “lặn” trong một thời gian, đến năm 2001 thì anh trở lại cùng triển lãm Tôi ơi! tại Hành lang Bích Câu (Cung Văn hóa Lao động TP.HCM), với sự phò trợ trình diễn của Khúc Duy, Nguyễn Quán, Huỳnh Lê Nhật Tấn… Tôi ơi! cũng bị cho là gây sốc. Nhưng nó đã tác động đến suy nghĩ của giới làm nghệ thuật về cách chọn đề tài và cách thể hiện của nghệ thuật đương đại.

Sau sự trở lại này, Tiến “Văn Miếu” còn lặn lâu hơn, mãi đến tháng 10/2010 với loạt tác phẩm Xà bần II – Sự ra đời của thần Vệ Nữ tại không gian của nhóm “Khoan cắt bê tông”, được đánh giá là “sự mổ xẻ gần như đến mức tàn nhẫn vào ngay con người nghệ sĩ, vào quan niệm về nghệ thuật và về cuộc sống của chính mình”. Tiếp đó, là tác phẩm sắp đặt Sợi chỉ đỏ cũng tại không gian của nhóm “Khoan cắt bê tông” vào tối 23/1/2011. Cả hai triển lãm này dù nhận được nhiều ý kiến khác nhau của giới phân tích nghệ thuật, nhưng về dư luận thì im ắng hơn hai sự kiện trước đó. Có người cho rằng nó đã “hiền lành” hơn, có người nói đã “ý niệm” hơn, “có người nói “đi vào bản chất” hơn…

2. Lần này, với Sinh, có vẻ như Tiến “Văn Miếu” đã quyết tâm trở lại thật, khi mà ở đây, ngoài sự “nhếch nhác” đã thành đặc trưng của anh, người xem đã thấy sự chuẩn bị bài bản hơn về mọi thứ. Khai cuộc bằng tiết mục âm nhạc từ nồi, niêu, son, chảo, ly, chén… của Alec Schachner và các nghệ sĩ khác. Tiếp đến là các tương tác của Tiến “Văn Miếu” với nhóm “Khoan cắt bê tông” và nhiều nghệ sĩ khác.

“Nghệ thuật của Tiến “Văn Miếu” là sự hòa trộn hay dao động giữa các cảm xúc trữ tình thế sự với siêu hình. Không gian nghệ thuật của Tiến “Văn Miếu” bao giờ cũng là không gian xã hội. Chất liệu nghệ thuật của Tiến bao giờ cũng là chính bản thân mình. Và, hình thức nghệ thuật của Tiến bao giờ cũng là sự va đập giữa cá nhân Tiến với một sức mạnh tượng trưng nào đó… ” – nhà phê bình Nguyên Hưng phát biểu tại lễ khai mạc.

Triển lãm Sinh được Viện Goethe tại TP.HCM tài trợ, cũng đánh dấu sự trở lại của Saigon Open City – một chương trình nghệ thuật nối kết và phát triển quan hệ cộng đồng, đã manh nha hình thành từ 2005 của Mai’s Gallery và cộng sự.

Văn Bảy
Thể thao & văn hóa