Hậu quả của sự thiếu kiến thức

Hai cái tên lẽ ra chẳng ai biết đến trong giới tạo hình – Nguyễn Xuân Tiến, Trần Anh Quân, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Và cái triển lãm “Nghệ thuật không gian” bất bình thường của họ, bày đã ba tháng nay, lẽ ra cũng chẳng ai biết đến, bổng nhiên và qua lại gây xôn xao sau khi bị báo TT&VH và một số báo khác phê phán. Những bức ảnh, được đăng lên như những bằng chứng rành rành về “tội” đem những hình tượng phản nghệ thuật, xa lạ quái gở vào nơi rất tôn nghiêm là Văn Miếu – làm cho người ta bất bình vô cùng. Nhẹ, người ta coi hai anh chàng kia là hai anh rồ. Nặng, người ta đặt vấn đến liên quan đến tư tưởng. Mặt khác, việc bảo vệ di tích quản lý văn hoá …. được đem ra xem xét khá nghiêm trọng…

Ngoài đời hai anh chàng “rồ” , hay là hai kẻ “tội phạm” ngẫu nhiên mà nổi tiếng ấy trông không giống lắm so với họ trong cái ảnh tự trói giằng lấy nhau vào gốc cây, bịt miệng, bịt mồm. Tiến và Quân là hai thanh niên ăn mặc chỉnh tề, thậm chí có phần chải chuốt tóc bóng mượt, nói năng nhỏ nhẹ. Chỉ có hai dây xích to đeo ở cổ gắn với một cây thập ác cỡ nửa bàn tay và một lưỡi dao nhỏ, dài gắn ở chân cây thập ác như đồ trang sức gây ấn tượng rẻ tiền dễ mua ngoài phố – là làm cho họ có hơi khác thường đôi chút. Hoàn toàn bất ngờ trước những “tội danh” nêu trên báo, cả hai đều giãi bày: Chúng em chỉ làm nghệ thuật ngoài ra không có một dụng ý gì khác”.

Công cuộc “làm nghệ thuật” ấy, được các tác giả diễn giải bằng lời – một cách không mạch lạc lắm  là loại hình nghệ thuật “xếp đặt” (installation) thể hiện sự gắn bó giữa thiên nhiên với nghệ thuật, giữa nghệ thuật với con người… Hai chàng “rồ” cố gắng bày tỏ ý định “hàn gắn, băng bó vết thương môi trường” cho rằng “chúng ta đang sống trong một môi trường đầy những vết thương” và “hãy cứu lấy môi trường” Những câu nói đó được Tiến nhắc đi nhắc lại nhất là câu “hãy cứu lấy..” không ít hơn ba lần. Cả những “tâm linh” “ám ảnh về sự chết”, “ngôn ngữ nghệ thuật mơ hồ” cũng là những từ và cụm từ hai anh chàng này hay nhắc đến. Họ tỏ ra có một ý tưởng hẳn hoi, một ý tưởng đẹp nữa là đằng khác. Và để trình bày những ý tưởng cứu vớt thiên nhiên, con người, cứu vớt nghệ thuật ấy như chúng ta đã biết ba tháng sau khi họ triển lãm – chiếu, xô màn, màu đỏ vung vãi khắp khu vực nhà Tả Vu trong Văn Miếu.

Installation của Tiến và Quân, nói tóm lại, chưa làm ai thấy rõ môi trường nên cứu bằng cách nào, mà chỉ làm dấy lên một tiếng kêu rằng Văn Miếu đã bị tổn thương, cần phải cứu. Hiệu quả mặt nghệ thuật của cuộc “xếp đặt” này coi như bằng âm. Tuy nhiên hai tác giả hầu như không cảm thấy điều ấy. “tất cả thực ra chỉ vì nghệ thuật, lịch sử rồi sẽ xem xét…”. Họ nói nghiêm trang như nói trước toà. Họ tin ở tính nghệ thuật của cuộc trưng bày mà họ đã làm. Ảnh đăng trên báo trong những bài phê phán “Nghệ thuật không gian” của Tiến và Quân đem tặng bạn bè mà có. Họ sẵn sàng đưa album ra (chụp hết 3 cuốn phim) để giới thiệu những “tác phẩm” tham dự cuộc “xếp đặt”. Họ cho rằng họ đã làm nghệ thuật thực sự, đã có một tác phẩm Installation hoàn chỉnh, ảnh để lưu giữ lại, sau khi đã đốt tất cả, như họ nói “theo truyền thống hoá vàng”…. Một trăm chiếc chiếu, năm, sáu trăm mét vài xô màn…. “Đều là những chất liệu truyền thống”. Tiến nói, “đây không phải là nghệ thuật bắt chước phương Tây, chúng em đều có máu Việt chảy trong người”. Cảnh trói nhau là để chụp ảnh một lúc thôi, gọi là “nghệ thuật hành vi” (performances) còn hai tác giả trong 3 ngày chủ yếu gặm bánh mì suông, uống nước lã lấy sức bôi quệt lên cho khắp từng ấy chiếu và vải màn. Tiến phải mang xe máy đến hiệu cầm đồ, sau đó bán luôn, lấy mấy triệu mua “nguyên vật liệu” sáng tác. Đúng là những hành vi “vì nghệ thuật”. Mọi việc sẽ khác đi, nếu hai tác giả được trang bị nhiều kiến thức và văn hoá hơn để làm triển lãm với hình thức “xếp đặt” này.

Gần một phần tư thế kỷ này, nghệ thuật, đúng ra là có một hình thức nghệ thuật, đòi hỏi người xem phải thưởng ngoạn nó một cách khác. Từ “xếp đặt” (Installation) bao quát hàng loạt tác phẩm nghệ thuật đa dạng về hình thức chất liệu, nội dung và hiệu quả. Chúng đòi hỏi người xem phải tham gia tích cực vào tác phẩm, khác hẳn với việc xem điêu khắc hay hội hoạ trước đây. Installation từ bỏ những cái khung quen thuộc, dù chúng lớn bao nhiêu để hội nhập không gian. Loại hình nghệ thuật này đã có mặt ở nhiều Viện Bảo tàng trên thế giới và đang bắt đầu phát triển ở châu Á, nhưng chưa có mấy ở Việt Nam không biết khuynh hướng nghệ thuật tổng hợp, đáp ứng nhiều chất liệu hiện đại này, mà người ta hiểu rằng để thực hiện tốt một cuộc Installation, trước hết cần phải có một kiến thức đủ sâu rộng về nó cũng như nhiều mặt khác.

Đó là điều mà Tiến và Quân chưa biết, đúng hơn là chưa đạt tới. Trả lời câu hỏi “đã biết, đã xem, đã hiểu thế nào về nghệ thuật xếp đặt” cả hai trả lời đều đã xem qua sách báo và rất thích loại hình này. Cuốn “Nghệ thuật phù du” tạp chí “Người đưa tin UNESCO” hoá ra là kim chỉ nam cho Tiến và Quân, tạp chí tháng 12.96 hai chàng “rồ” bày ngay triển lãm giữa tháng 1.1997 không rõ những gì thu được từ cuốn tạp chí ấy đủ chín chưa. “Chúng em cũng chẳng đọc được tiếng Anh. chỉ biết về Installation qua sách báo tiếng Việt”. sách báo tiếng Việt nào đã có mấy về Installation đâu, chỉ có một một số “Nghệ thuật phù du” ấy là đầy đủ hơn cả mà thôi. Cả đến cái “tội danh” to nhất là làm vẩn đục Văn Miếu, lý do cũng thật giản dị: “Không gian Văn Miếu là một không gian thiên nhiên có tính Phương Đông, nên bọn em thích”

Nếu Tiến và Quân đem cái “Nghệ thuật không gian” của mình bầy ở một chỗ khác, ở những xóm bới rác chẳng hạn, người ta sẽ đỡ bất bình vì Văn Miếu thiêng liêng không bị quấy phá, còn hai tác giả sẽ nhận thấy ngay rằng tác phẩm của mình kém sinh động hơn những sản phẩm của bà con phơi ở bên vệ đường.

Sự thiếu kiến thức đôi khi đem lại những hậu quả thật tệ hại, dù tình yêu nghệ thuật có cao cả đến mấy. Nhưng câu chuyện đã xảy ra rồi, đây âu cũng là một bài học cho 2 anh chàng yêu “nghệ thuật” đến mức ngây thơ này.

                                 Phạm Thanh Hà – b áo Th ể Thao & V ăn H óa (1997)