Một sơ hở đáng trách trong quản lý văn hoá ở Hà Nội

Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng từ thế kỷ thứ XI thời nhà Lý, có những di tích kiến trúc và điêu khắc như Khuê Văn Các, nhà thờ Khải Thành, hai nhà bia Tiến sĩ phản ánh nền khoa cử Nho học cũ của Việt Nam và là niềm tự hào của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám trực thuộc Sở Văn Hoá – Thông tin Hà Nội, hiện nay là một đơn vị quản lý toàn bộ khu vực này. Nhà nước ta đã đầu tư kinh phí và tranh thủ nguồn tài trợ của nước ngoài để tu bổ, nâng cấp bảo vệ công trình, tạo thêm vẻ đẹp của cảnh quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Chính bởi vậy, du khách trong nước và quốc tế đến thăm ngày càng đông. Đây cũng là đề tài hấp dẫn, khơi gợi cảm hứng cho các sáng tác thi, ca, nhạc, hoạ, nhiếp ảnh, điện ảnh…. Có thể nói, việc bán vé, trông giữ các loại xe và hướng dẫn khách khá chu đáo và nghiêm ngặt. Nhưng vừa qua, lại xảy ra một sơ hở đáng trách. Đó là chuyện xuất hiện việc nhờ đất của Văn Miếu – Quốc Tử Giám để bày loại tranh lạ mang tên “Không gian nghệ thuật”!

Theo báo cáo của Trung tâm hoạt động Văn Miếu – Quốc Tử Giám là ngày 17.1.1997 có hai sinh viên của Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội đến liên hệ dựng tác phẩm tốt nghiệp, vì chất liệu là “bột màu vẽ lên chiếu và nền vải”, trung tâm bố trí địa điểm phía sau nhà Tả Vu. Hai ngày đầu, họ trải chiếu xuống đường để vẽ. Ngày thứ ba, đóng cọc rồi chăng vải trắng vẽ tiếp. Thấy hoạt động nghệ thuật kỳ quặc, trung tâm cho dừng lại và bởi chỉ coi là sự giúp đỡ vô tư các hoạ sĩ trẻ cho nên không báo lên và xin phép Sở Văn hoá – Thông tin Thành phố!

Những nguồn tài liệu chúng tôi nắm được không hẳn như thế. Thực chất thì có giấy mời dùng giấy dó mầu vàng, đề rõ Triển lãm “Không gian nghệ thuật” của Nguyễn Văn Tiến và Trần Anh Quân từ ngày 16 đến 19.1.1997 in hai thứ tiếng Việt và Anh ở cả hai mặt, bốn góc có triện vuông chữ Hán; chính giữa, đính một băng gạc! Khó mà hiểu nổi nội dung và hình thức diễn tả của trường phái hội hoạ đánh đố ấy diễn ra trong ba ngày ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám với những hình thù quái dị vẩy phẩm lên mặt chiếu; treo các khối lớn giống hình quả trứng trên cành và quấn băng vải xô trùm khung tranh vào thân cây. Tính không rõ ràng về ý tưởng và kiểu sắp đặt ngổn ngang, rối rắm của “Không gian nghệ thuật” kia khiến người xem chướng mắt; khó tránh khỏi những liên tưởng không hay.

Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng không hề biết giấy tờ tuỳ thân của anh Tiến, anh Quân và không kiểm tra giấy giới thiệu vốn là điều tối thiểu trong thủ tục quan hệ của cơ quan. Vô tình hay hữu ý cần phải xác minh lại, nhưng những biểu hiện kể trên bộc lộ sự tuỳ tiện, giản đơn của cán bộ thừa hành nhiệm vụ và lãnh đạo trung tâm, đã để lọt một hành vi phản văn hoá, xét trên khía cạnh trưng bày trò bắt chước hiếu kỳ du nhập từ bên ngoài xâm nhập Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nơi tôn nghiêm lưu danh các bậc đỗ đại khoa thuở trước của đất nước. Không thể không nhắc tới sự thiếu giám sát chặt chẽ và giải quyết chậm trễ của các ngành hữu quan ở Hà Nội về vấn đề này, trước hết là Sở Văn Hoá – Thông tin. Suốt gần 3 tháng, vẫn chưa tiến hành một cuộc họp xác định rõ nguyên nhân và hậu quả, có kết luận minh bạch, quy trách nhiệm và xử lý các cá nhân vi phạm. Cũng theo nguồn tin của chúng tôi, các anh Tiến và Quân học tại Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, do vậy nên xem xét cách giảng dạy và đào tạo của trường liệu có đúng định hướng lấy nghệ thuật phục vụ đời sống xã hội hay là thử nghiệm các “sáng tạo” dị dạng về đường nét, hình khối và mầu sắc?

Bài học rút ra từ sơ hở của Trung tâm hoạt động Văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám là kinh nghiệm cần khắc phục ngay về phương pháp quản lý lỏng lẻo đối với các di tích lịch sử – văn hoá.

                                                   Ban văn hoá – văn nghệ (báo Nhân Dân)