Đến với triển lãm của hoạ sĩ Nguyễn Văn Tiến tại hành lang Mỹ thuật Bích Câu ngày 6/7/2001 vừa qua, nhiều khách đến xem khá bất ngờ trước một cuộc triển lãm kỹ quặc: những khối vuông bằng thùng giấy, những hình nộm bù nhìn, những bức tranh như những lá bùa bát quái dán lên trần với màu sắc đen, đỏ, nguyệch ngoạc…..
Trong tiếng vọng “Tranh ơ… tôi ơi…” thế giới của Tiến là một sự xếp đặt quen thuộc trong hội hoạ, loại hình này khá phổi biến ở phương Tây đã du hành vào Việt nam và rất được các hoạ sĩ trẻ ưa chuộng, học hỏi theo. Với bất cứ vật dụng dùng trong đời sống hằng ngày, kể cả những cái đã gọi là “rác” vào tay các hoạ sĩ theo trường phái này có thể “nên chuyện”!
Người thích cảnh đẹp, sắc màu đẹp, mơ màng, lãng mạn sẽ bị “sốc” ngay trước các xếp đặt quái chiêu của Tiến. “Không có gì để xem ở đây!” – ai đó trong những người đến xem triển lãm đã nói vậy. Nhưng đó lại đúng với dụng ý của Tiến, là thành công của anh chàng hoạ sĩ này.
Nguyễn Văn Tiến sinh năm 1970, tốt nghiệp đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội năm 1995, nhưng từ 1990 đã có tham gia vào triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, năm 1994, 1997, 1998 và 2000 đều có mặt tại các cuộc triển lãm trong và ngoài nước.
Nếu ai đã từng xem triển lãm của Tiến ở Văn Miếu, Hà Nội năm 1997 sẽ không lấy gì ngạc nhiên khi đến xem Tiến triển lãm lần này. Tại Văn Miếu, Hà Nội này 16.1.1997, Tiến đã cùng với Trần Anh Quân bày một “cuộc chơi” để lại khá nhiều dư luận không đồng tình, phản bát và chỉ trích gay gắt, với tên gọi “Không gian nghệ thuật” gồm vải sô, chiếu cói, túi nilon, xô nhạ đựng phẩm đỏ, tác giả tự trói mình, quấn kín bằng vải sô chỉ chừa đôi mắt, họ bày ra nơi an nghỉ cuối cùng của con người và cuối cùng đốt tất cả khi bế mạc!
Lần này, một mình bày cuộc triển lãm ở thành phố Hồ Chí Minh,Tiến muốn gì khi cất tiếng gọi “Tranh ơ… Tôi ơi…”? Có phải như một nhận định “…Nguyễn Văn Tiến là một hoạ sĩ đã tạo nên những phản ứng ồn ào chung quanh cuộc triển lãm đầy tính chất khiêu khích của anh tại Văn Miếu, Hà Nội năm 1997, bằng thái độ và bằng chính tác phẩm của mình, anh đã từ chối tính chất nghiêm trang và giả tạo vối rất phổ biến trong nền hội hoạ Việt Nam đương đại, đồng thời tìm cách thoát ra khỏi những khuynh hướng nghệ thuật ước lệ. Tác phẩm của anh thỉnh thoảng làm người ta sốc, tuy nhiên chúng thật sự là một sự phản ánh chân thật đời sống nội tâm của anh…” (Nguyên Hưng)
Riêng tôi, tôi nghĩ rằng, có nhiều con đường để đi đến đỉnh nghệ thuật, mỗi người phải tự đi bằng hai chân của mình, bây giờ, Tiến đang đi một cách cô lẻ, lầm lũi về hướng ấy! Anh thật sự muốn bày tở với mọi người những ý nghĩ, những trăn trở của mình về con người, về đời sống hôm nay, muốn có sự đồng cảm, vừa muốn nhốt mình vào khung cũi cách biệt, vừa muốn kêu gọi mọi người hãy đến với mình để chia xẻ và đồng cảm. Chính tiếng kêu “Tranh ơ… Tôi ơi…” thống thiết ấy cho anh thấy được những điều cất giấu của tác giả.
Thúc Phương – b á o V ăn Ngh ệ