“Không gian nghệ thuật” sự bôi nhọ di tích lịch sử văn hoá

Mấy ngày gần đây cả thủ đô xôn xao dư luận không hay về một hoạt động văn hoá mà chẳng văn hoá tí nào, nghệ thuật mà phi nghệ thuật hết mức. Cái gọi là “Không gian nghệ thuật” do hai sinh viên trường Mỹ thuật Hà Nội dựng nên tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã dễ dàng “đánh lừa” được các nhà quản lý khu di tích để rồi họ đi từ danh nghĩa mượn chỗ dựng tác phẩm tốt nghiệp của mình. Triển lãm “Không gian nghệ thuật” của Nguyễn Văn Tiến – Trần Anh Quân từ ngày 16 đến 19 – 1 – 1997, in hai thứ tiếng Việt và Việt và Anh trên giấy mời, bốn góc có triện chữ Hán, chính giữa đính một băng gạc… kỳ dị là bằng chứng cho sự có dụng ý của tác giả. Khi biết tin này, tôi có tham khảo ý kiến một hoạ sĩ có vị trí trong Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông nói rằng: “Nếu như ai đó được tận mắt chứng kiến cái gọi là “triển lãm hội hoạ” của họ mới thấy hết được sự lố bịch, bởi những hình thù quái dị vấy phẩm trên mặt chiếu, treo các khối lớn giống hình quả trứng trên cành và quấn băng vải xô trùm khung tranh vào thân cây. Nhìn trong ảnh người ta tưởng là những thứ tồi tệ nhất của những kẻ tâm thần… Tôi nghĩ đó không phải là nghệ thuật, vì thế không thể có lời bình, chỉ có điều tôi hết sức ngạc nhiên là ở những nơi đáng trân trọng và ngưỡng mộ nhất về văn hoá dân tộc lại có chuyện này”.

Sau khi có sự điều tra của cơ quan chức năng, chuyện đã rõ: Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã “nhẹ dạ cả tin” để cho hai sinh viên này bày trò quỉ quái ngay trước mắt bàn dân thiên hạ. Đến khi có rất nhiều ý kiến của các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà nghiên cứu xã hội – văn hoá thì sự việc mới được xem xét nghiêm túc. Sự việc xảy ra từ 17.1.1997 nhưng sau đúng 3 tháng mới tạm có thừa nhận khiếm khuyết trên lời nói chứ chưa hề có cuộc họp của cơ quan chức năng để kiểm điểm nghiêm khắc vấn đề này. Dư luận cũng đặt ra câu hỏi: Những người quản lý văn hoá – lịch sử tại sao lại không am hiểu chút gì về nó? Phải chăng trong thời mở cửa sự du nhập những trường phái nghệ thuật kỳ quặc, khó hiểu, khác đời… sẽ dễ dàng có đất dụng võ?

Câu chuyện tưởng dễ dàng chìm đi trong quên lãng của ai đó, nhưng trái lại nó đã đánh thức rất nhiều người có lương tâm trách nhiệm, có sự hiểu biết và đánh giá đúng những hiện tượng bất bình trong lao động và sáng tạo của tác giả. Bởi lẽ, công chúng ngày nay đang sống và công tác tại thủ đô Hà Nội cũng như trong cả nước luôn biết thưởng thức nghệ thuật đích thực và biết loại bỏ, đấu tranh không khoan nhượng với những sai trái trong cuộc sống.

Đây là bài học không nhỏ của công tác quản lý mọi hoạt động văn hoá khoa học ở một trung tâm lớn của thủ đô Hà Nội, nơi hội tụ của những giá trị văn hoá cả nước. Chúng ta hãy chờ kết luận của các cơ quan chức năng trong thời gian sớm nhất.

 

                        Văn Hùng – b áo C ông An Th ành Ph ố  H ồ Ch í Minh