“Xà bần II-Sự ra đời của thần Vệ Nữ” – Từ góc nhìn Nguyễn Văn Tiến

“Xà bần II-Sự ra đời của thần Vệ Nữ” của Nguyễn Văn Tiến với sự phối hợp của nhóm “Khoan cắt bê tông” được tổ chức tại một nhà kho tạm bợ trong khu dân cư nghèo gần ga Bình Triệu cũ. Sự kiện chỉ diễn ra trong vòng 2 tiếng, từ 6 giờ chiều đến 8 giờ tối, chủ nhật, ngày 24 tháng 10-2010.
Đây là một sự kiện nghệ thuật rất đáng chú ý. Nó từ chối các không gian đặc tuyển. Nó khiêu chiến với các giá trị nghệ thuật truyền thống. Nó bày tỏ cảm nhận về thân phận người nghệ sĩ trong xã hội Việt Nam. Nó chấp nhận cái kệch cỡm, v.v… Tuy nhiên, cho đến nay, phản ứng trong nước đang rất dè chừng, và đã có vài dấu hiệu của sự xuyên tạc. Ở đây, tôi sẽ dần dần giới thiệu và phân tích về sự kiện này.

Trước mắt, tôi sẽ giới thiệu sơ lược phần ý tưởng của tác giả Nguyễn Văn Tiến.

Phần I – Tranh

(The Birth of Venus, Sandro BOTTICELLI, c. 1485

Tempera on canvas, 172.5×278.5 cm)

Cô ấy sinh ra từ thần thoại

Giữa không gian thần thoại

Cô ấy là nữ thần

(nhưng ai dám chắc cô ấy không gian dâm, giả dối!)

Thần Vệ Nữ của tôi

Cô này là sản phẩm chọn lọc tự nhiên từ vô số tinh trùng

Cô được sinh ra ở một xó xỉnh nào đó

Cô là một con người

(nhưng ai dám chắc cô ấy không phải là nữ thần tình yêu!)

Phần II – PowerPoint (slide show)

Lưu ý các chú thích thỉnh thoảng xuất hiện trên hình: “tôi sinh ra ở đây” – “tôi có mặt ở đây lúc này” – “vâng, tôi sinh ra ở đây” – “vâng, tôi có mặt ở đây lúc này” – “vâng” – “vâng”…

Không gian rực cháy – những mảnh vụn cơ thể nằm bất động bên lề – sự lặp lại, lặp lại, lặp lại…

Phần III – Ảnh và “nhân tượng”

David -1504- MICHELANGELO

Marble, height 434 cm – Galleria dell’Accademia, Florence

David, người ta cho là biểu tượng của nam tính, của hùng tính

Có ai đó đã cho: ai dám chắc David không phải là người lưỡng tính!

Ai đó nữa, đã cảnh báo: “Này, cứ đứng lì một chỗ anh sẽ béo phì!”

Với tôi, David là một “nhân tượng”

Anh ta không đứng hoài một chỗ

Anh ta cọ quậy

Anh ta gãi ngứa

Anh ta diễn…

Phần IV – Sắp đặt + Trình diễn

Người ta ví nghệ sĩ như là thiên sứ của cái đẹp,

là tình nhân của chân lý

Người ta khoác cho hắn những sứ mệnh

Và hắn, nhiều khi cũng tự ru ngủ với cái tôi trữ tình của mình

Có thể đúng ở đâu đó.

Tôi không biết.

Trong kinh nghiệm của mình,

với tôi,

ở đây,

lúc này,

nghệ sĩ là…

CỨT.

Phần IV bis – tương tác

Bis, bởi đó là thứ phái sinh ngoài chủ định của tôi,

Tôi không can dự và không muốn biết những người chung quanh phản ứng thế nào,

Trước tôi – như cứt

Họ đồng tình… – kệ!

Họ cười cợt… – kệ!

Họ chửi bới… – kệ!

Họ tâng bốc…  – kệ!

Họ dày vò…  – kệ!

Tất cả…  – kệ!

Kệ… !

Kết luận chung:

Ai đó nói:

Con người là một bất tất – nó khát vọng hoàn thành

Con người là một bất toàn – nó khát vọng hoàn thiện

Con người là một khoảnh khắc – nó khát vọng vĩnh cửu

Con người là một cô đơn – nó khát vọng hoà hợp

Con người là một ràng buộc – nó khát vọng tự do

Và, họ cho rằng chính những khát vọng đó nơi con người là chất men làm sống dậy cảm hứng sáng tạo và tình yêu nghệ thuật…

Tôi không nghĩ như vậy.

Sự biểu tượng hoá những khát vọng đó chỉ là một sự tha hoá chia cắt con người

Tôi học yêu thương con người trong thân phận mong manh của tôi và họ…

(Nguyên Hưng giới thiệu và tóm tắt
dự án “Xà bần II – Sự ra đời của thần Vệ Nữ” của Nguyễn Văn Tiến)
Nguồn: www.http://tienve.org