“Xà bần II – Sự ra đời của thần Vệ Nữ” trong mắt nhìn con trẻ và của người lao động bình dân 

“Xà bần II-Sự ra đời của thần Vệ Nữ” của Nguyễn Văn Tiến được tổ chức tại một nhà kho tạm bợ trong khu dân cư nghèo gần ga Bình Triệu cũ. Sự kiện chỉ diễn ra trong vòng 2 tiếng, từ 6 giờ chiều đến 8 giờ tối. Khách đến dự, rải rác gần trăm, gồm ít họa sĩ, vài nhà báo (trong và ngoài nước), một số bạn bè thân hữu (của họa sĩ Nguyễn Văn Tiến và của nhóm Khoan cắt bê tông), còn lại, chiếm gần một phần ba là trẻ con và những người lao động bình dân quanh xóm.
Sự có mặt của gần một phần ba này, theo vài người, đã làm cho sự kiện không chỉ “mất thiêng” mà còn trở nên nhộn nhạo, nhếch nhác…
Tuy nhiên, đến sớm nhất, ở lại lâu nhất, săm soi tỉ mỉ vào từng chi tiết sự kiện, đặt ra nhiều câu hỏi và nêu ra nhiều nhận định “thẳng đuột” nhất, xem ra, chỉ có lớp người này…
Tôi đến từ trước 5 giờ chiều. Suốt buổi tối, tôi chú ý đến họ và nghe đủ thứ. Dưới đây, là một số câu hỏi và “nhận xét” mà tôi ghi lại được.

I

Trước 5 giờ chiều, trời có dấu hiệu chuyển mưa

 

Ngô Lực: Chết mẹ, trời có vẻ mưa như hai lần trước.

Tiến: Chắc phải cúng thôi!

Ngô Lực: Cúng à?

Lê Quốc Thành: Cúng ở đây đi (chỉ vô bức tranh).

Tiến: Được đó. Có đồ cúng không?

Vợ Bỉm: Dạ em có ạ!

Bày đồ cúng.

Tiến: Cho ly nước nữa.

Bỉm: Để em vào lấy.

Tiến: Thì đưa ly của cậu đây.

Bỉm: Em uống rồi mà.

Tiến: Kệ! Miễn nước là được rồi.

Mấy đứa trẻ con:

– Chú ấy lạy tượng gì thế?

– Chả biết. Tượng gì toàn tay với tay!

– Chắc thần gì đó.

Tiến vừa lạy vừa nói với bọn trẻ: Thần gì chẳng được. Cứ nhiều tay là thần tuốt!

II

 5 giờ – trong gian nhà chính:

Một đứa bé hỏi: Chú ơi, con nhớ hôm trước nền nhà màu xanh, sao hôm nay sơn đỏ loét vậy chú?

Tiến trả lời: Sơn cho đẹp.

Nó nhìn tí rồi nói: Không phải. Ghê quá. Trông như máu.

Thằng bé đứng bên chen vào: Không phải, giống màu cờ. Có cả màu vàng nữa nè. Giống cờ.

Thằng hỏi Tiến cãi lại: Cờ gì! Trông giống bảng chỉ đường thì có!

Thằng kia: Sao biết?

Thằng nọ: Tau học rồi. Nó giống bảng chỉ đường một chiều!

5 giờ 25 phút – lúc Tiến chuyển bàn “xí xổm” vào đặt giữa nhà:

Mấy đứa nhỏ lại lao xao hỏi:

– Sao đặt cầu tiêu giữa nhà vậy chú?

(Không ai trả lời)

– Cầu tiêu này có ỉa được không chú?

– Ỉa sao được. Cứt rớt hết ra sàn nhà sao?

– Chắc để thùng phía dưới.

Tiến cười chen vào: Chỗ đó chú ngồi!

– Trời, cứt rớt lên đầu sao

Tiến: Cũng được.

– Kỳ cục. Không biết mấy ông này làm gì!

6 giờ 45 – lúc Tiến đã ngồi dưới bồn cầu:

– Chú đó ngồi im giống ông Phật!

– Trời, chỗ lỗ ỉa mà gắn đèn vô làm sao ỉa?

– Chắc là để cho sáng cái đầu!

III

6 giờ – chỗ nhân tượng David:

Mấy bà, mấy ông và vài đứa trẻ con:

– Sao sơn người trắng hếu vậy?

– Người ta đang làm nghệ thuật mà!

– Không phải đâu! Bắt chước cái ông trong hình kia kìa. Ơ, mà không phải, nửa ông nửa bà!

– Há há, dzui quá!

– Mấy ông này đẹp như ông kia, nhưng bắt chước chưa giống. Mấy bà thấy không, hình kia để lòi cu!

– Dzô dzuyên!

– Chắc chút mới cởi!

– Há há!

Một người trong nhóm Khoan cắt bê tông: Lát nữa mới gắn cu vào!

– Cu giả à?

– Há há!

– Cái thằng trong hình kia cu bé xíu!

*

– À, mà giả cái hình cởi truồng kia làm chi vậy chú?

– Nghệ thuật nổi tiếng đó!

– Nghệ thuật gì cởi truồng kỳ quá!

Ngô Lực: Cởi truồng mới là nghệ thuật chứ!

– Há há… Tôi có con là không cho nó làm nghệ thuật kiểu này đâu. Kỳ quá!

– Dzui chứ!

– Mấy bà về làm nghệ thuật đi!

*

– Sai rồi chú ơi, cái ông trong hình cầm áo chứ không phải cầm cuộn giấy vệ sinh đâu

Tiến: Kệ, cũng có lúc cần dùng mà…

– Há há…!

*

– Chú ơi, chú đứng sai kiểu rồi

– Đứng hoài vậy sao chịu được. Phải đổi tư thế chứ

– Hồi nãy con thấy ổng ngồi

Ông to béo chạy tới: Vẫn chưa gắn cu à?

*

– Ủa, cái ông làm tượng kia đâu rồi?

– Mới thấy vào toilet.

IV

7 giờ 15 phút – chỗ màn hình trình diễn Powerpoint:

Mấy đứa nhỏ, mấy bà, mấy ông:

– Trời, trông như tai nạn giao thông?

– Xe gì tông mà tay văng nơi, chân văng nơi khác vậy?

– Không phải đâu. Người ta chụp trong nền nhà kia kìa

– À á, đúng rồi, chụp trong cái nền đỏ có ô vàng đó đó!

– Chụp kỳ quá. Sao không chụp cả người mà chỉ chụp toàn tay, chân với nửa cái đầu. Ghê chết mẹ!

– Người ta viết gì lên đó vậy?

Một đứa đọc: Tôi sinh ra ở đây – tôi có mặt ở đây lúc này – vâng, tôi sinh ra ở đây – vâng, tôi có mặt ở đây lúc này – vâng,… – vâng,…

– Chả hiểu. Chỉ có thế mà lòng vòng

– Người ta làm nghệ thuật, mấy bà hiểu sao được. Dzui là được rồi!

– Ghê chết mẹ chứ dzui gì!

– Thôi mấy mẹ ơi, trong góc có đồ ăn đó, ra kiếm cái gì ăn đi…

V

Gần 7 giờ 30 – đoạn tương tác:

– Gì ồn vậy?

– Mấy ông này nói bậy quá!

– Nghệ thuật gì kỳ cục, thua “Trong nhà ngoài phố”!

– Dzui chứ!

– Chỉ có ông mới thấy dzui!

*

– Á á, hai cái ông sơn trắng kia ngồi đây rồi!

– Ông kia ngồi dưới cầu tiêu mà ngồi giống như ông Phật!

– Chú kia bảo ổng đang giả làm cứt đó!

– Há há…!

*

– Ông kia chui ra rồi kìa

– Sao lấy giấy vệ sinh quấn quanh người ổng vậy?

– Ai biết!

– Ơ, bà coi, còn chụp cả thùng rác lên đầu ổng nữa

– Kinh quá!

– Đốt gì dzậy?

Bỉm: Đốt giấy chùi đít

– Đốt chi dzậy?

Bỉm: Đang hóa vàng

– Mấy chú bậy quá, ai lại hóa vàng trên bàn cầu vậy… thôi về!

*

– Cho con đẩy xe với

– Ừ, vào đi

– Ịn ịn…

*

– Ủa, cái ông cục cứt đâu rồi?

– Không biết. Thấy ra ngoài rồi

– Chắc hết rồi!

*

– Ơ ơ, cái chú kia đang nhảy lên ỉa thật ba ơi!

– Há há…

(Tiếng ngoài vọng vào: Quá lố rồi mấy đồng chí! Stop thôi!

VI 

8 giờ 10 – Trước tranh:

Bỉm và ông to béo:

– Anh thấy bức tranh này thế nào?

– Dzui dzui!

– Dzui dzui sao?

– Bà dzợ tôi cũng dzậy. Đi đám mặt áo dài dzô muốn đội nón lá cho đẹp nhưng bị bắt phải đội nón bảo hiểm, nên lúc đi, đội nón bảo hiểm cầm nón lá, đến nơi rồi, đi bộ vô nhà, thì đội nón lá tay cầm nón bảo hiểm… hà hà…!

– Anh có thấy tay kia cầm gì không?

– Để coi… Không biết, nhưng trông giống như bao cao su

– Chứ còn gì nữa! Anh nghĩ sao nếu đó đúng là bao cao su?

– Há há… Nhiều khi cũng cầm theo nhưng phải để chỗ kín chứ! Há há…!

VII – Hạ hồi 

Bỉm phỏng vấn mấy người hàng xóm: (Có quay phim)

– Chị có thể cho biết cảm tưởng được không?

– Há há… tôi có biết gì đâu. Thấy vui vui qua chơi thôi!

– Nếu về kể với người nhà hay bạn bè chị sẽ kể thế nào?

– Thì thấy sao kể vậy chứ sao?

– Nếu có người nói đây là nghệ thuật. Vậy có con, chị có cho con làm nghệ thuật không?

– Tôi chỉ muốn con tôi làm bác sĩ để kiếm nhiều tiền. Nhà nghèo mà. Chỉ tội nó học ngu quá!

– Vậy chị cho nó làm nghệ thuật đi

– Há há…!

*

– Còn anh, anh thấy sao?

– Dzui! rất hào hứng! Mà thịt chó mấy anh mua ở đâu ngon quá! Nhất là hấp!

– Chủ yếu nói chuyện nghệ thuật. Anh cảm thấy thế nào?

– Thì dzui mà. Lần sau làm nữa cứ hú tôi. Hàng xóm mà, ủng hộ hết mình!

 

                                                         HẾT

Thanh Hùng

Sài Gòn 28/10/2010

Nguồn www.tienve.org