TRAO ĐỔI QUANH “XÀ BẦN II – SỰ RA ĐỜI CỦA THẦN VỆ NỮ” (*)

bởi Nguyên Hưng vào ngày 19 tháng 7 2012 lúc 1:09 sáng

1. Anh có thể nói cho chúng tôi biết về việc sử dụng hình tượng tôn giáo trong tranh vẽ và performance của các anh là như thế nào? Những bức tranh có hình ảnh mang tính thần thánh có nhiều cánh tay, giống như tinh thần đạo Ân, và trong performance có một người ngồi trầm ngâm ở bên dưới một chỗ đi vệ sinh như một thầy tu đạo phật. Thế thì – về một ý nghĩa nào đó – người ta đi vệ sinh lên đầu anh ấy nhưng mà lại có một ánh sáng trên đầu anh ta, thì cái này có thể tượng trưng cho điều gì? (Can you talk about the use of religious imagery in the paintings and the performance? The paintings feature images of deities with numerous arms, referencing Hinduism. And in the performance, a figure sits in meditation, referencing such religious practices as Zen Buddhism. The meditating figure sits underneath a urinal, so he is in a sense, or symbolically, being pissed on. Yet there is a light that shines upon him, therefore is he undergoing an experience of enlightenment?)

TIEN-VM-VENU4

“Ba đầu sáu tay” là câu người Việt Nam hay nói, để chỉ những người khôn ngoan, lanh lợi trong đời sống thực tế . (Nó còn có thể được hiểu một cách tiêu cực là sự tham lam, giảo hoạt). Ở Việt Nam, nhiều người có khuynh hướng sùng bái những người như vậy. Ngay cả trong giới nghệ thuật cũng vậy, số đông có khuynh hướng sùng bái những người thành công trên thị trường và được báo chí nói đến nhiều, chứ không phải bởi sự độc đáo của họ về mặt thẩm mỹ hay những đóng góp về mặt tư tưởng. Trước sự sùng bái đó, nhiều hoạ sĩ chuyên vẽ tranh hàng loạt (vì mục đích thương mại) cũng tự cho mình cái thẩm quyền phát biểu về các vấn đề nghệ thuật như một sự “chỉ đường”. Rất nhiều khi như vậy… Hình ảnh trong tranh, thể hiện cái nhìn châm biếm trước thực tế này. Hãy chú ý cái không gian mà cô ấy đứng. Đó là một cô gái “đứng đường”. Nhưng, cô ấy có vẻ rất tự tin. Bức tranh này có thể gợi liên tưởng đến các hình ảnh tôn giáo như bạn thấy, và đó là một sự trớ trêu. Nhất là trong “Xà bần II” nó được xem như một thứ hình… thờ! “Performance có một người ngồi trầm ngâm ở dưới chổ đi vệ sinh như một thầy tu đạo Phật” lại có một ý nghĩa khác. Đó là hoạ sĩ Nguyễn Văn Tiến, tác giả chính của sự kiện này. Hình ảnh này rõ ràng là khác thường. Nó tượng trưng cho tình cảnh của người nghệ sĩ. Tình cảnh phải “sống dưới bồn cầu”! Có thể hiểu, anh ta phải sống với phân, hay chính anh ta đang là phân (Hình ảnh này, có người nói, gợi nhớ đến câu nói lừng danh của Mao Trạch Đông: “Trí thức là cục cứt”). Điều duy nhất “cứu vãn” anh ta ở đây, có lẽ là giữ được cho mình một tinh thần cân bằng, tĩnh tại. Cái tia sáng chiếu lên đầu anh ta có thể tạo liên tưởng đến các tia sáng chiếu lên tượng thánh trên các bàn thờ. Nhưng, nếu các tia sáng chiếu lên các tượng thánh trên bàn thờ tượng trưng cho ánh sáng “thánh linh”, thì ở đây, oái oăm, nó được thoát ra từ lổ bồn cầu. Đây là một ẩn dụ. Trong cuộc sống chúng ta đã từng biết, có những thứ được thải ra từ đâu đó lại hiện hình (và được tiếp nhận) như một sự khai sáng. Sự tiếp nhận nghệ thuật phương Tây ở Việt Nam, dường như cũng có tính cách như vậy !…

2. Các sự ám chỉ về tôn giáo có liên hệ với những ý kiến nói chung đi ngược với những quan điểm truyền thống về cái đẹp, thẩm mỹ và hệ thống gallery như thế nào? (How do all these allusions to religion relate to the general themes about overturning traditional ideas about beauty, aesthetics, and the gallery system?)

TIEN-VM-VENU28
Hoạ sĩ Nguyễn Văn Tiến và tác phẩm Nữ thần đứng đường

 

Ở đây không có sự ám chỉ về tôn giáo, mặc dầu có thể gợi ra những liên tưởng liên hệ đến vấn đề tôn giáo. Vấn đề được chú ý ở đây là sự sùng bái mù quáng, là những niềm tin thiếu sự can dự của lý trí phê phán. Nếu đặt các tác phẩm này trong tổng thể dự án “Khoan cắt bê tông” với hoạt động cụ thể là các sự kiện “Xà bần”, có lẽ, sẽ hiểu rõ hơn. Xin nói đôi chút về dự án “Khoan cắt bê tông”- theo cách hiểu của tôi. Khoan cắt bê tông là một hoạt động cần thiết của thời tái thiết. Về bản chất, đó là một sự đập phá nhằm giải phóng mặt bằng. Xà bần là sản phẩm của nó. Nhưng, nếu như trong lãnh vực xây dựng, để giải phóng mặt bằng, người ta chỉ cần cho vài chiếc xe chuyên dụng đến xúc chở đi là xong, thì trong lãnh vực văn hoá tư tưởng, vấn đề hoàn toàn không đơn giản. Có vô số thứ “xà bần” mà nếu đụng vào, ngay tức khắc, bạn phải nghe sự la ó phản đối của đám đông. Thậm chí, sẽ phải đương đầu trước những phản ứng gay gắt từ những người bảo thủ trong giới cầm quyền, với rất nhiều hệ luỵ. Hãy thử xem các phản ứng quanh vụ “Xà bần II-Sự ra đời của thần vệ Nữ” trên soi.com.vn, bạn có thể thấy rõ điều này. Hầu như không có ai quan tâm đến khía cạnh ý tưởng hay tư tưởng biểu lộ qua các chi tiết và cấu trúc sự kiện, mà chỉ quan tâm đến hình thức bề mặt. Quan tâm đến hình thức bề mặt, họ không quan tâm đến tính chất tượng trưng của chất liệu và tính ẩn dụ của hành vi (như bạn) mà chỉ quan tâm quan tâm đến khía cạnh vật liệu với các thuộc tính thông dụng và “cái đẹp” hiểu theo nghĩa “cân bằng thị giác”. Họ cũng không quan tâm đến tính biểu trưng của bối cảnh và không gian xã hội. Và, cũng không quan tâm đến những liên hệ mang tính liên văn bản trong tác phẩm (như bạn). Họ vẫn lấy các tiêu chuẩn cho rằng tác phẩm nghệ thuật phải là cái gì tồn tại độc lập và bất biến v.v… Cách nhìn Lãng mạn chủ nghĩa này được “cắm” vào Việt Nam từ thời “Pháp thuộc” với sự ra đời của trường Mỹ thuật Đông dương năm 1925. Cho đến giờ, nó vẫn cứ là độc tôn (mặc dù xã hội đã thay đổi rất nhiều). Chính cách nhìn này đã cản trở sự phát triển, dẫn đến thực trạng là tuy những năm sau này, các nghệ sĩ vẫn tiếp tục tiếp thu rất nhiều hình thức nghệ thuật mới, nhưng hầu hết, đều chỉ là sự chiết trung theo kiểu “bình mới rượu cũ”. Nói rõ ra, chỉ là bắt chước, hóng hớt bề mặt. Hậu quả rất tai hại. Một mặt, khiến rất hiều nghệ sĩ trẻ ngày càng không hiểu lịch sử nghệ thuật là lịch sử của những cái đẹp mới được phát hiện thực chất có nghĩa là gì ! Lịch sử nghệ thuật với họ, chỉ còn là lịch sử của những “danh hiệu”, của những tên tuổi hoạ sĩ. Mặt khác, cũng khiến rất hiều hoạ sĩ trẻ, càng ngày càng không hiểu sự vận động phát triển của nghệ thuật, còn là sự vận động phát triển của bản thân ngôn ngữ nghệ thuật, và ngôn ngữ nghệ thuật phát triển đồng nghĩa với sự mở rộng các chiều kích quan hệ của con người với thế giới chung quanh và với chính mình. Sáng tác với số đông nghệ sĩ, do đó, chỉ là tái tạo và cách điệu cái nhìn thấy-theo các tiêu chuẩn thẩm mỹ Lãng mạn, Ấn tượng và Tương trưng chủ nghĩa đã được “nội tâm hoá” như đã nói. Chính vì lẽ đó, mà sự nhạy cảm, sự dũng cảm, tính tư tưởng đã trở thành rất xa lạ với nghệ thuật Việt Nam. Cách nhìn này, đã là một thứ “xà bần hàng hiệu”, “xà bần” được “phong thần” trong tư duy. Tại sao đống “xà bần” này không được dọn dẹp? Nó không được dọn dẹp vì còn một thực tế khác nữa: nghệ thuật Việt nam là nền nghệ thuật rất xa lạ với các vấn đề lý thuyết. Mà xa lạ với các vấn đề lý thuyết, một mặt, là do sự độc tôn tư tưởng của chính quyền ở Việt Nam xưa nay, và mặt khác, là do tâm lý dị ứng với lý thuyết, với những gì trừu tượng vốn tồn tại dai đẳng trong văn hoá Việt nam v.v… Đây lại là những thứ “xà bần” khác nữa !

Trở lại với những hình ảnh có màu sắc nghi lễ làm liên tưởng ám chỉ về tôn giáo trong “Xà bần II”. Như bạn đã thấy, bên cạnh hình ảnh có vẻ nghiêm trang đó là các hành động diễn giải hết sức nhố nhăng, kệch cởm của những người chung quanh. Đó là một nghịch cảnh một bức tranh bi hài. Tượng “David” của Michelangelo, tranh “Thần Vệ Nữ giáng sinh” của Sandro Botticelli đã đi vào bảo tàng, và cái cơ sở mỹ học của chúng cũng đã trở thành chuyện của quá khứ, nhưng ở Việt Nam, ảnh hưởng của cái cơ sở mỹ học này vẫn cứ là thượng tôn. Nó như một thứ thần học mà người ta chỉ có thể theo chứ không được nghi ngờ…

“Xà bần II” có thể xem là một phản ứng trước quan điểm nghệ thuật mang tính thần học đó. Hệ thống gallery trước cách nhìn này, chỉ là chuyện rất nhỏ bé không đáng bàn đến.

3. Sự tham gia của khán giả trong performance có quan trọng không? Ví dụ như là: Anh có xem việc mà khán giả tham gia trong performance là những mục đích của nhóm Khoan Cắt Bê Tông thực hiện không? (How important is the audience’s involvement in the performances? Can you talk about some examples where you saw the audience become involved in the performance in a way that fulfills the objectives of Khoan Cat Be Tong?)

Trình diễn của Nguyễn Văn Tiến với sự tương tác của nhóm "Khoan cắt bê tông" và khán giả.
Trình diễn của Nguyễn Văn Tiến với sự tương tác của nhóm “Khoan cắt bê tông” và khán giả.

 

Vấn đề công chúng nghệ thuật ở Việt nam là vấn đề lớn. Công chúng ở Việt Nam chưa bao giờ được giáo dục về nghệ thuật cả. Ngay cả với các hình thức nghệ thuật Hiện đại chủ nghĩa vốn tồn tại hàng thế kỷ với số đông, vẫn còn hết sức xa lạ, “cao siêu”. Phần lớn, vẫn cứ nhìn nghệ thuật theo các tiêu chuẩn “tả y như thật” với “minh hoạ”. Một bức tranh thiếu nữ đẹp vẫn là phải vẽ một cô gái đẹp v.v… Họ không có ý niệm gì về tính chất siêu hình học của nghệ thuật. Với công chúng như vậy, nghệ thuật Việt nam phát triển rất khó khăn và chậm chạp. Thậm chí, còn có thể nói là “không có cả chổ đứng” ! Nghệ sĩ Việt nam cho đến nay, phần lớn, đi ra ngoài với dáng dấp lạc hậu, nhưng ở trong nước, thì vẫn cứ lạc lõng. Có thể nói, đây là một bi kịch. Với sự kiện này, tôi nghĩ, không hy vọng được gì nhiều vào sự thông hiểu của công chúng tại chỗ. Chọn địa điểm và không gian như thế này để tổ chức sự kiện, Nguyễn Văn Tiến muốn xem việc khán giả tham gia trong performance là một phần cấu thành nội dung. Có thể xem tất cả là những biểu trưng…

4. Việc mà khán giả hiểu biết về ý nghĩa của tác phẩm và performance có quan trọng không? Anh còn thấy là tác phẩm thành công nếu không có ai thật sự hiểu không? (How important is it for viewers, just regular people, to understand the work? Do you still feel that the work is successful if no one in the audience really understood it?)

TIEN-VM-VENU15

 

Dĩ nhiên là rất quan trọng. Và, chúng tôi biết rõ rằng chúng tôi đang đứng trong một tình huống bi kịch. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, đây cũng là bi kịch chung của cả nền nghệ thuật Việt Nam. Gần như hầu hết các tác phẩm mỹ thuật ở Việt Nam đến với đại chúng, chủ yếu thông qua các phương tiện trung gian. Nói cách khác, chủ yếu thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng với những cách diễn dịch nào đó. Bởi vậy mà sự truyền thông trở thành quan trọng (đối với các nghệ sĩ). Thực tế này có lắm hệ luỵ: Sự hiểu biết của đại chúng đối với nghệ thuật, phần lớn là ảo tưởng, và sự nổi tiếng của không ít nghệ sĩ, chủ yếu, chỉ dựa vào các chiêu thức PR. Trước thực tế đó, khi tham gia dự án “Khoan cắt bê tông” nhắm đến các loại “xà bần” trong tư duy, Nguyễn Văn Tiến đã xem sự kiện “Xà bần II”, trong một chừng mực nhất định, còn là khởi đầu cho các tương tác “khoan, cắt” ngay trên các phương tiện truyền thông. Có thể nói, trong cách nhìn này, sự kiện “Xà bần II” cũng chỉ là chất liệu. Đây là nét mới, khá độc đáo của “Khoan cắt bê tông”, ít nhất ở lần này, ít ai ngờ tới…!

5. Hình như Xà Bần theo mẫu Happenings mà Allan Kaprow đã tạo ra trong năm 1957. Đây là một dạng nghệ thuật có những loại nghệ thuật (ví dụ performance, painting, installation), mà nó cố gắng bỏ đi ranh giới giữa nghệ sĩ và khán giả, chú ý nhiều đến địa điểm và không gian của sự kiện, và nói chung, rất khó định nghĩa tại vì các sự kiện luôn rất khác nhau. Anh có thể nói về sự khác biệt giữa các đặc điểm của Happenings ở đây là vì xã hội và văn hóa Việt Nam không? Ví dụ, sự hài hước của performance trong Xà Bần II có sự khác nhau với performance ở nước ngòai như thế nào? (It seems that Xa Ban follows the example of Happenings, a term coined by Allen Kaprow, to describe these kinds of events which feature different kinds of artistic media, attempt to dissolve the line between artist and audience, focus on the relationship with the event’s environment and space, and in general, are very difficult to define and describe because each Happening is very different from the other. Can you discuss some of the ways that Happenings here may feature different characteristics because of the nature of the Vietnamese audience and setting? For example, the way in which humor is used within the performance part of Xa Ban II, which is perhaps different from the way it is used in performance art in other countries.)

TIEN-VM-VENU3

Rất khó từ chối ảnh hưởng của Allan Kaprow trong quan niệm về nghệ thuật của Nguyễn Văn Tiến và một số người trong dự án “Khoan cắt bê tông”. Tuy nhiên có sự khác biệt lớn, xuất phát từ vấn đề công chúng. Allan Kaprow “, trong phần lớn trường hợp, tương tác bằng cái nhìn nghệ thuật” vào một tình huống thực tế nhằm tạo ra một sự trãi nghiệm nào đó trong lòng công chúng đối tượng. “Xà bần II” ngược lại. Nó dựng lên một không gian nghệ thuật (với những tình huống mang tính giả định) và để công chúng “tương tác bằng cái nhìn thực tế” vào. Ở đây không chắc có sự “trãi nghiệm hay “thức tỉnh” nào hết. Sự tương tác của công chúng ở đây đã nằm trong tầm đoán biết của tác giả và được xem là một phần cấu thành tác phẩm. Nó tạo ra cái mà chúng ta có thể cảm nhận như cái gì đó rất nghịch lý-bi hài-và thô kệch !

(Câu hỏi của Pamela Nguyen Corey, các câu trả lời của Nguyên Hưng)

Sài Gòn 30/10/2010

(*) Bài này, tôi đã post lên “Phim Việt” (FB cũ của tôi đã bị hack sập) một lần đầu năm 2011 với tên “Trao đổi quanh “Xà bần II – Sự ra đời của Thần Vệ Nữ” giữa Nguyên Hưng và Pamela Nguyen Corey”. Sau đó, tôi có nghe vài người bạn nói lại, Pamela Nguyen Corey có than phiền, là chưa hề phỏng vấn tôi. Pamela Nguyen Corey nói đúng. Sự thực, các câu hỏi này, Pamela Nguyen Corey gởi cho Ngô Lực (đại diện cho nhóm Khoan cắt Bê tông). Tôi không biết giữa Pamela Nguyen Corey và Ngô Lực trước đó trao đổi với nhau như thế nào, nhưng khi chuyển cho tôi qua mail, Ngô Lực chỉ nói ngắn gọn: “Đây là các câu hỏi của Pamela Nguyen Corey, anh xem trả lời nhé!”. Vào thời điểm đó, giữa Ngô Lực, Nguyễn Văn Tiến (tác giả  “Xà bần II – Sự ra đời của Thần Vệ Nữ”) và tôi, đã thống nhất với nhau, mọi trao đổi giữa nhóm Khoan cắt Bê tông với giới truyền thông quanh tác phẩm này, đều sẽ thông qua tôi, do đó, tôi đã trả lời…

Sau khi nghe các ý kiến than phiền của Pamela Nguyen Corey, tôi đã xóa bài này trên “Phim Việt”

Do triển lãm “Xà bần II – Sự ra đời của Thần Vệ Nữ” rất đáng chú ý, các câu hỏi của Pamela Nguyen Corey lại khá hay, giúp đào sâu được vào nhiều tầng ý nghĩa của tác phẩm, nên bỏ bài này đi, là điều đáng tiếc. Nhất là khi quanh triển lãm này, trên một số trang mạng trong nước, có nhiều bài biết hết sức “linh tinh”… Bởi vậy, tôi quyết định tiếp tục sử dụng lại bài này…

Nguồn: https://tuantudo.wordpress.com