XÀ BẦN II: TIẾN “VĂN MIẾU” ĐÃ HIỀN HƠN TRƯỚC!

Người xem Sài Gòn

XÀ BẦN II: SỰ RA ĐỜI CỦA THẦN VỆ NỮ

Triển lãm của họa sĩ Nguyễn Văn Tiến
17 chủ nhật, 24. 10. 2010
46/6 đường 18 Kha Vạn Cân, Thủ Đức, TP.HCM

Để thực hiện màn trình diễn này, Xà bần 2 được hai nam nghệ sĩ Ngọc Thành Hùng và Kim Thiện phụ giúp. Họ đắp thạch cao trên người như tượng. Khán giả có thể gọi họ là “tượng” David. Còn Vệ nữ Tiến quấn đầy giấy dải trên người, vừa lúc nãy từ hầm cầu chui ra, lột xác, “rũ cứt (trong ý niệm), đứng dậy… sáng lòa”

Vào lúc 17h ngày 24. 10 vừa qua, tại không gian của nhóm Khoan cắt bê tông (46/6A, đường số 8, Kha Vạn Cân, Thủ Đức, TP.HCM), Nguyễn Văn Tiến đã thực hiện dự án Xà bần 2 với chủ đề Sự ra đời của thần vệ nữ, gồm tranh, sắp đặt và trình diễn. Nếu quan sát Nguyễn Văn Tiến (thường gọi Tiến “Văn Miếu”) từ khoảng 15 năm trước, triển lãm tổng hợp lần này cho thấy Tiến đã hiền hơn.

Sự “hiền” này có thể vì mấy lý do:

Thứ nhất, sau gần 15 năm kể từ 1997, Tiến đã nhiều tuổi hơn, bước qua những cảm nghiệm đời sống, những bệnh tật (nếu có, chẳng hạn)… nên đã điềm nhiên, chín chắn hơn. Vì thế ít quậy hơn.

Thứ hai, có thể Tiến muốn quậy hơn (trong nội tâm và ý niệm, chẳng hạn) nhưng do hành vi, thái độ và văn cảnh bây giờ không còn nhiều tính xung đột so với thời ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội, năm 1997) và Hành lang Bích Câu – Cung Văn hóa Lao động (TP.HCM, năm 2001). Không gian bây giờ nhỏ hơn về diện tích, ít vị thế hơn về mặt công cộng và cũng ít bất ngờ, ít tương tác hơn về mặt công chúng, nên làm cho người xem có cảm giác Tiến hiền hơn.

Thứ ba, trong tất cả tác phẩm mà Tiến trưng bày, sắp đặt hoặc trình diễn lần này (nếu tôi cảm nhận không sai, vì không thấy thông cáo báo chí hoặc ý tưởng được công bố) thì Tiến đang làm một cuộc “thải trừ” chính mình, để từ cái hầm cầu nghệ thuật đó, anh sẽ tái sinh và chuyển hướng. Thường thì khi kết thúc một hướng cũ, chờ sang một hướng mới, nghệ sĩ sẽ rơi vào một trong hai trạng thái: bạo động hoặc bất bạo động. Tiến có lẽ thuộc dạng “bất bạo động”. Người viết từng xem các trình diễn của Tiến ở Văn Miếu, ở Hàng lang Bích Câu; giờ gặp lại Tiến, có thể kết luận một câu là anh ngày càng hiền hơn, theo nghĩa “thụt lùi”.

Thứ tư, chọn cứt, hay bồn cầu, hay khăn xô, giấy vệ sinh để cho “mạnh” thì đến phút này có thể nói là không thể mạnh nổi. Nghệ sĩ dùng những biểu tượng này quá nhiều rồi đến mức cứt bây giờ cũng không còn thối và giấy vệ sinh thì ngoài hàng ăn người ta cũng đem chùi miệng được. Chọn bồn cầu, hay cứt (tượng trưng) là chọn một lối an toàn, ngang với chọn hoa hồng hay bồ câu để tượng trưng cho tình yêu với hòa bình. Nhóm Khoan cắt Bê tông trong Xà Bần I đã chọn xà bần là một khởi đầu tốt về mặt chất liệu. Nhưng Xà Bần II lại rơi vào nếp cũ. Thực đáng tiếc!

Nhân tượng David bên bồn cầu thoát thai Vệ Nữ. Mọi người hóa vàng trong bồn cầu.

Vệ nữ “Tiến” sau khi ra đời được quấn trong giấy vệ sinh

Nhưng cảm giác chủ đạo khi xem Xà Bần II là “thiếu máu lửa”. Dù có nền nhạc, có kịch bản nhưng mọi thứ vẫn rời rạc, ”xìu xìu”. Giống như những chương trình được làm chụp ảnh lưu hồ sơ (vì ảnh thì chụp những cảnh “gay cấn” nhất), vài năm sau có thể mở ra xem và bảo “tôi đã từng ở đây, lúc này, như thế này”, hơn là một cuộc trình diễn vì nhu cầu có thực phải giải tỏa một năng lượng “xà bần nào đó”.

Vì thế mà Tiến hiền đi chăng? Một sự hiền trong một bước tính? Và việc Tiến tham gia Xà bần có là tự nhiên không, khi trong một cuộc nói chuyện tại cà phê 78, nhà phê bình Nguyên Hưng – một người đỡ đầu nói với người viết, đại ý: “Xà Bần 1 làm bậy bạ quá. Xà Bần 2 phải đưa Tiến vào cho có trụ cột”.

Xà bần là xà bần, định biến xà bần thành một ngôi đền có trụ có cột thì có còn tinh thần xà bần không?

Còn Tiến, hướng mới trong nghệ thuật và hành vi của Tiến “Văn Miếu” là gì? Sau khi đã đốt hết mọi thứ cũ kỹ, quá khứ rồi, xong nhô lên như thần Vệ nữ, thì sẽ là gì? Mong là không đi lùi nữa, hay không giậm chân tại chỗ như cái câu chạy trên máy phóng hình: “Vâng, tôi có mặt ở đây lúc này”. Phải chờ xem.

Mời các bạn xem một số hình ảnh trong triển lãm này:

Họa sĩ Nguyễn Văn Tiến
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng và họa sĩ Nguyễn Văn Tiến
Nhà văn Thục Linh
Nghệ sĩ Việt Đặng
Nhà nghiên cứu, nhà nhân loại học, văn sĩ Ulas Basar Gezgin (mang kiếng cận, tóc dài)
Họa sĩ Lê Quốc Thành và một David
Trong phần tương tác, nhóm Khoan cắt bê tông đẩy chiếc ba gác lượm xà bần của Ngô Lực chạy vòng vòng…

… nhóm Khoan cắt Bê-tông hưởng ứng, thậm chí Bỉm còn tỏ ra táo bạo và “quậy” nhất, tụt quần ngồi lên bồn cầu mà Tiến vừa “thoát thai”, “làm” tượng trưng một bãi. Nhưng nhà phê bình Nguyên Hưng ngăn lại, nói không nên quá đà… Tất nhiên đây chỉ là màn trình diễn ngẫu hứng, nhằm làm cho chiếc bồn cầu ý niệm bị hiện thực hóa.

Người xem Sài Gòn – Nguồn: http://soi.com.vn