“Bản thân sự kiện nghệ thuật này, tự nó đã hàm chứa mọi khả năng gây ra những phản ứng dữ dội. Vì tuy Văn Miếu là chỗ thờ Khổng Tử và đặc biệt cũng là nơi cho khách du lịch Trung Quốc chứng nhận hào quang văn hoá bành trướng của đất nước họ, nhưng cái Quốc tử giám ấy, thành lập dưới thời Lý Đạo Thành với mục đích đào tạo tầng lớp quan lại tương lai bằng kinh sách Tàu, vẫn đồng thời là tiền thân của các trường đại học Việt Nam hiện đại và là nơi người Việt bày tỏ lòng thành kính trước những thành tựu của văn hoá nước nhà. Việc “giải thiêng” Văn Miếu, cũng như việc cắt đứt bán kính thiêng liêng của nó và công khai tìm một lối diễn giải khác, bất cứ lúc nào cũng đều có thể bị coi là một hành động chống thờ thần tượng văn hoá – dùng cụm từ “chống thờ thần tượng” ở đây có lẽ không được hay lắm, vì nó làm người ta liên tưởng đến việc nhà thờ Thiên chúa giáo chính thống ra lệnh cấm không cho phép thể hiện nghệ thuật trong những vùng thánh địa từ giữa thế kỷ thứ tám, trong khi ở đây ta chỉ có nghệ thuật chạy đua với những bức tượng của Khổng Tử, Mạnh Tử…, và kêu gọi đi những buớc khác vào cái công viên-bảo tàng này”
Hành động nói trên làm vô hiệu hoá vị trí dành được trong lịch sử của Văn Miếu, đòi hỏi người xem phải có một cách nhìn khác, phải tự bỏ công ra nhiều hơn để tiếp cận với tác phẩm. Thoạt tiên ta sẽ chỉ thấy một mớ hỗn độn vô nghĩa, vì cái nghĩa chỉ có được nhờ người xem – chính người xem tạo ra nghĩa, chứ Văn Miếu không cho sẵn – và người xem thấy lúng túng vì bị bắt buộc phải tham gia vào một cuộc đối thoại hoàn toàn mới lạ. Và như vậy là hai nghệ sĩ đã phá vỡ cái hệ thống nhận thức do nhà nước cai quản, vì nhà nước nắm độc quyền trong việc quyết định ý nghĩa của Văn Miếu.”
Patrick Raszelenberg (Patrick Raszelenberg was a researcher at the Institute of Asian Studies in Berlin. There he worked at the German Academic Exchange Agency in Hanoi.) (nguồn © 2003 talawas)